Điền Đông Phương



Đau thương lắm những người đi chiến đấu
Vì thiếu hận thù mà mất nước non!





Lời nói đầu






Điền Đông Phương
Đời tôi, đời của một con người chưa một lần nói dối, của một tâm tư không muốn hận thù, mà khi tuổi đời chưa đủ thì những kinh qua đã quá đủ cho một kiếp người… Mười lăm năm đèn sách, mười năm chinh chiến, mười một năm lao tù cộng sản, gần ba mươi năm sống kiếp tha hương làm người vong quốc… Hồi tưởng lại những tháng năm xưa, lòng tôi ray rứt khôn nguôi! Có biết bao điều lẽ ra tôi phải làm, mà tôi lại bỏ qua… Và ngược lại tôi đã làm biết bao nhiêu điều không nên... 
Đời người thật ngắn ngủi, mà sao vô vàn hối tiếc, quá nhiều ăn năn…

Thế Giới Tự Do, Thế Giới Cộng Sản, Nga, Tầu, Mỹ... Cuộc Chiến tranh "Chống Mỹ Cứu Nước” của Miền Bắc, cuộc Chiến tranh Giữ Nước của Miền Nam… đã biến dãy non sông gấm vóc Việt Nam thành núi xương sông máu… Mấy mươi năm đã trôi qua sau ngày 30 tháng 4 năm 1975… Từ những núi xương sông máu đó, đã và đang xuất hiện đầy dẫy những anh hùng! Anh hùng chiến thắng, anh hùng chiến bại… Nhìn những anh hùng lúc nhúc bò tới bò lui trong cái đống phân lịch sử 1954-1975, rồi nghĩ đến hàng hàng lớp lớp những người con yêu của Tổ Quốc đã phải làm con vật hy sinh cho những chủ thuyết ngoại lai... Hồi tưởng lại cảnh cốt nhục tương tàn trong một cuộc chiến dơ bẩn nhất trong lịch sử dân tộc đó, ai mà không thấy xót xa?

Là chiến sĩ của một Quân Lực bại trận, tôi không bao giờ muốn nhắc đến những chiến công hào hùng, những trận giao tranh khốc liệt mà đơn vị tôi chưa một lần chiến bại… Tôi đã không còn thấy ánh hào quang trên những Anh Dũng Bội Tinh lấp lánh trên ngực áo trận ngày nào… Ở đây tôi chỉ làm nhiệm vụ của một kẻ sống sót, bởi vì nếu không nói lên bây giờ, “sẽ là có tội… có tội với những người đã nằm xuống, cho chúng ta được hưởng thêm những ngày tự do ít ỏi”. Nên tôi xin góp nhặt lại nơi đây, chỉ là những kỷ niệm đã hằn sâu trong ký ức... Tôi không phải là một nhà lý luận, càng không phải là một chính trị gia, những gì tôi viết ra đây, đơn giản chỉ là những gì đã xảy ra, mà tôi là người trong cuộc, là một chứng nhân. Nơi đây, sẽ có những cái nhìn về chiến cuộc của riêng tôi, mà tôi tin rằng trong đó sẽ không có những hậu ý để che đậy sự thật, để đánh lạc tầm nhìn của những thế hệ con em.

Tôi xin thành kính nghiên mình trước vong linh của bao người dân Việt đã một thời tơi tả trong khói lửa đạn bom... Những người đã một thời cùng tôi đối mặt trong chinh chiến oan khiên, cốt nhục tương tàn... Những người đã một thời tôi được kề vai chiến đấu, những kỵ-binh xưa, những người con yêu thực sự của Tổ Quốc, của Miền Nam hiền hòa bị bức tử...
 
Điền-1969
Tốt nghiệp khóa 14 Sĩ Quan Căn Bản Thiết Giáp cuối năm 1965, tôi về trình diện Trung Đoàn 2 Kỵ Binh Thiết Giáp (Sau này là Thiết Đoàn 2 Kỵ Binh) đồn trú tại Vĩnh-Long, và đây cũng là đơn vị duy nhất mà tôi phục vụ trong suốt mười năm quân ngũ, cho đến ngày bỏ cuộc. Trung Đoàn Trưởng lúc đó là Trung tá Trần Tín, nguyên là giáo-sư trường Quốc-Học Huế. Ông là một cấp chỉ huy dũng cảm, trong sạch và đầy lòng nhân hậu mà tôi đã coi như một mẫu mực để noi theo trong suốt cuộc đời binh nghiệp, cho cả đến ngày hôm nay! Đó chính là cái may mắn của tôi, của một tuổi trẻ đầy nhiệt huyết đang chập chững bước vào đời trong một xã hội nhiễu nhương, phân hóa… khi cuộc chiến bắt đầu quyết liệt, tuổi đời vừa tròn hai mươi. 

Với ưu thế hỏa lực hùng hậu, khả năng di động trên mọi địa thế, đơn vị tôi được sử dụng như là đơn vị chủ lực của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long từ Mỹ Tho xuống đến Cà Mau (Vùng IV Chiến Thuật), dọc theo biên giới Việt-Miên, và đến năm 1970 thì vượt biên sang Kampuchea để tiêu diệt những căn cứ hậu cần của quân Cộng Sản Bắc Việt từ Svay Rieng chạy dài đến tận cảng Kampong Som. Hôm nay truy quét mật khu Ấp Bắc ở Mỹ Tho thì ngày hôm sau vây hang Tup Chup ở vùng núi Thất Sơn... Vừa tiếp tế cho tiền đồn Long Hữu ở ven biển Trà Vinh hôm trước thì hôm sau đã có mặt ở Sóc Trăng, rồi thẳng xuống Bạc Liêu... Trở về chưa kịp ghé thăm hậu cứ thì đã có lệnh vô luôn Đồng Tháp...  
Đại khái cuộc sống của chúng tôi là như vậy. Mỗi tháng đi hành quân ít nhất cũng phải hai mươi ngày. Ngoài những cuộc hành quân bất thần như đi tiếp viện các đơn vị bạn đang chạm địch, giải tỏa các cứ điểm bị bao vây hoặc bị địch tạm chiếm... thì nhiệm vụ thường xuyên của chúng tôi là thực hiện các cuộc hành quân càn quét vào ngay căn cứ, mật khu địch. Còn những “vùng giải-phóng”, vùng xôi đậu thì thường là chỗ được chúng tôi dùng làm nơi để nghỉ dưỡng quân, tu bổ xe cộ... Chỉ khi nào đơn vị về hậu cứ, mới có chuyện vui chơi phố phường! 

Trong những tháng năm ngang dọc trên khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long đó, biết bao nhiêu kỷ-niệm buồn vui. Tôi chỉ xin ghi lại nơi đây những mẩu chuyện thật ngắn, không theo thứ tự thời gian, những kỷ niệm của một thời trai trẻ...



VÌ SAO TÔI LÊN TIẾNG
Điền Đông Phương

“Đây chén rượu nồng xin rưới xuống
“Giải oan cho cuộc bể dâu này!”
Tôi nghĩ rằng, người Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa khi có đủ quân quyền trong tay, được cả Thế Giới Tự Do ủng hộ, giúp sức... mà họ còn không bảo vệ được Miền Nam, đã không chống lại được Cộng Sản... Thì bây giờ với hai bàn tay trắng, họ làm được gì mà đi "chống Cộng"?

Nhưng, khi nghe một kẻ nói dối, thì bất cứ một con người chân chính nào cũng phải lên tiếng để cho mọi người thấy rằng kẻ đó đang nói dối! Người Cộng Sản chẳng những không bao giờ nói thật, mà họ còn là bậc thầy về chuyện đổi trắng thay đen...

Ký Hiệp Định Geneve 1954  với Pháp để chia đôi đất nước  chưa ráo mực là  lập tức họ gài Lê Dun ở lại Miền Nam để thành lập hạ tầng cơ sở rồi tiến đến khủng bố, đánh phá khắp Miền Nam với những chiêu bài gian manh dối trá... Thì người ta phải nói lên cái gian manh dối trá đó!
Vừa ký Hiệp Định Hoà Bình Paris năm 1973 là tổng tiến công ngay năm 1975! Đó là hành vi tráo trở lật lọng, thì người ta phải nói lên cái tráo trở lật lọng đó chứ!
Hứa hẹn với thế giới sẽ cải thiện Nhân Quyền để được nhận vào WTO, vào được rồi thì nuốt trọn những lời họ đã hứa đến nỗi  bị thế giới vạch mặt chỉ tên trong những hội nghị quốc tế về Nhân Quyền, thì người ta phải nói ra cho nhân dân trong nước biết!
Một nhân vật lịch sử như ông Hồ, tài trí của ông là phi thường,  đáng khâm phục... Nhưng chuyện đổi trắng thay đen, việc cố tình che đậy những tội ác, những sai lầm, những nhơ nhuốc thối tha của ông để dựng lên một hào quang dối trá, một nhân cách cao cả không có thật... thì đó chính là việc làm bỉ ổi!
Người ta chỉ ra những cái bỉ ổi đó thì có gì là sai trái?

Khi các anh làm sai, người ta chỉ ra cái sai đó là người ta đúng! 
Tại sao các anh lại cho đó là "phản động", là “tuyên truyền chống  phá",  là "âm mưu lật đổ"... rồi kết tội người ta, đày họ vô tù?
Ai cho các anh cái quyền đó?
Tôi lên tiếng cũng không phải vì cay cú... Khi nghe một kẻ nói dối, khi thấy một người làm điều ác, anh nói lên cái dối trá đó, chỉ ra điều ác đó là vì anh khinh bỉ nó, ghê tởm nó hay vì anh cay cú?
Một người có lương tâm thì nên nói ra cho mọi người thấy sự gian trá, tàn ác của kẻ vô lương để người đời không bị kẻ đó lừa đảo, ám hại hay là nên im lặng bỏ mặc ai ra sao thì ra?
Đơn giản là như thế!

Bởi những lẽ đó mà người Việt trong nước và khắp thế giới đã phải lên tiếng... Cho nên những gì tôi nói lên  ở đây cũng chỉ là để góp một phần nào vào tiếng nói của lương tâm con người, của tấm lòng yêu nước, yêu thương đồng bào trước bạo quyền để những kẻ vốn đã lừng danh thế giới về gian trá đó không thể đánh lạc tầm nhìn của những thế hệ mai sau...

Và với tất cả tấm chân tình, tôi chỉ mong sao những người Cộng Sản VN cùng thế hệ với tôi hãy nhận ra bản chất gian manh dối trá của ông Hồ và Đảng CSVN đã lừa dối họ từ bấy lâu nay. Những người cộng sản cầm quyền đang cố bám quyền lực, tham lam lợi lộc hãy thức tỉnh, đừng cố tiếp tục tự lừa dối mình và lừa bịp dân tộc nữa, mà hãy sống với lương tâm chân chính của con người...

Ở đây, tôi chỉ có con tim, của riêng tôi, không của một tổ chức nào, không theo một đảng phái nào... 

Người Việt Nam Cộng Hòa cầm súng chỉ là để bảo vệ Quê Hương không Cộng Sản, chiến đấu vì lý tưởng Tự Do… Chúng tôi buông súng cũng chỉ vì nỗi khát mơ Hòa Bình, chứ chúng tôi không hề là kẻ chiến bại, dù Quân Lực của chúng tôi đã bị bức tử!
Chúng tôi chiến đấu và hy sinh ngay nơi chôn nhao cắt rốn của mình, thì đó là chiến đấu để tự vệ. Người Cộng Sản từ Bắc vác súng đạn Nga Tàu vào Nam bắn giết đồng bào thì rõ ràng đó là đi xâm lược!
Như vậy, hà cớ gì mà kẻ chiến thắng lại đi căm thù người chiến bại, lại đi đày đọa cả một Miền Nam hiền hòa?
Tại sao kẻ cướp lại đi hận thù nạn nhân của nó?

Tôi xin mượn câu chuyện ngắn dưới đây, để nói lên tâm tư tình cảm của người Việt Nam Cộng Hòa: "Ở cuối hai con đường  ".
Mong các bạn hãy lắng nghe, để nhớ rằng chúng ta là người Việt Nam trước khi chúng ta là người Cộng Sản hoặc là người Tự Do Dân Chủ… Chúng ta là những người yêu nước Việt Nam trước khi chúng ta biết yêu chuộng Tự Do Dân Chủ hoặc yêu Chủ Nghĩa Cộng Sản!
Nếu chúng ta không biết thương yêu nhau, thì ai thương chúng ta bây giờ?

Mời các bạn lắng nghe


Ngựa hồng thì đã cách ngăn
Má hồng lạc bước còn mang câu thề...



Sống 1




Sao phải đợi đến lúc cô đơn mới nhận ra giá trị của một người bạn?
Sao phải đợi được yêu rồi mới đem lòng yêu người?
Sao phải đợi có thật nhiều rồi mới chia sẻ một chút?
Sao phải đợi một nỗi đau rồi mới nhớ đến một lời ước nguyện?
Sao phải đợi có thời gian mới đem sức mình ra phục vụ?

Bạn ơi, sao phải đợi?
Bởi có thể rằng bạn không biết bạn sẽ đợi đến bao lâu.
Đã bao nhiêu lần ta chần chừ để rồi cơ hội vuột đi…
Hãy làm ngay những gì mà bạn muốn, làm ngay những gì bạn cho là đúng.




Khi con chim còn sống, nó ăn kiến.
Khi chim chết, kiến ăn nó.
Thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi bất cứ lúc nào,
Vì vậy, đừng nhục mạ, đừng làm khổ bất cứ ai trong đời sống này.
Bạn có thế đầy quyền lực ngày hôm nay,
Nhưng đừng quên rằng,
Thời gian còn nhiều quyền lực hơn bạn.
Một cây có thể làm được hàng triệu que diêm,
Nhưng một que diêm cũng có thể thiêu hủy được hàng triệu cây.
Hãy là người tốt và làm những điều tốt.
Thử nghĩ mà xem,
Thượng Đế cấu tạo cơ thể con người một cách rất hợp lý,
Nhưng sao chúng ta lại không sử dụng nó theo đúng ý của Ngài:

1-Ngài đặt hai mắt chúng ta ở đằng trước, vì Ngài muốn chúng ta luôn hướng tới phía trước, chứ không phải để chúng ta cứ ngoái nhìn về những sự việc ở phía sau.
2-Ngài đặt hai tai chúng ta ở hai bên là để chúng ta nghe từ hai phía, cả lời khen lẫn tiếng chê, chứ không phải để chúng ta chỉ nghe từ một phía hoặc chỉ để nghe những lời tâng bốc êm tai.
3-Ngài tạo cho chúng ta chỉ một cái miệng và một cái lưỡi mềm mại, vì Ngài muốn chúng ta nói ít nghe nhiều và chỉ nói những lời khôn ngoan, chứ không phải để chúng ta nói nhiều hơn nghe và nói những lời sâu hiểm làm tổn thương người khác.
4-Ngài đặt bộ não chúng ta trong một hộp sọ vững chãi, vì Ngài muốn chúng ta nên tích lũy tri thức, những thứ chẳng ai có thể lấy đi, chứ không phải chỉ chăm lo tích lũy những của cải bên ngoài, những thứ dễ dàng bị mất mát.
5-Ngài đặt trái tim chúng ta nằm trong lồng ngực, vì Ngài muốn những tình cảm yêu thương giữa những con người phải được xuất phát và lưu giữ tận nơi sâu thẳm trong cõi lòng, chứ không phải ở một nơi hời hợt bên ngoài.

 
Khóc
Vừa sinh ra đã vào viện mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề muốn khóc thêm lần nào nữa.
Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá và hạnh phúc gia đình, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.
Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói: “Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh.”
Bùi Phương Mai


Quà sinh nhật
Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học. Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến bên má: “Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?”
Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi: “Sao má chẳng ăn gì?” Về nhà, mọi người tìm má.
Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến…
Mấy đứa em ào tới ôm lấy chị mình, khóc... Thấy vậy, má cũng khóc.
 

Đạp Gai
Khi đi đường đạp phải cái gai, thì hãy gỡ cái gai ra rồi vất nó đi, chứ chửi nó làm gì. Vì nó có biết gì đâu mà chửi nó!
Trong giao tiếp với đời, ta cũng nên sống như vậy!
 

Chọn lựa
Có hai anh em ruột, một lớn lên nghiện rượu và một trở thành doanh nhân thành công.
Khi được hỏi lý do, người anh nghiện rượu trả lời: “Ông già tôi là người nghiện rượu”. Tiếp theo, người em là doanh nhân được hỏi về sự thành công của mình, anh đáp: “Ba tôi là người nghiện rượu".
Cùng một nền tảng gia đình, cùng được nuôi dưỡng như nhau, chỉ có sự lựa chọn của mỗi người là khác.
 
 
Hậu Quả
Cậu lên Sài gòn thăm, tôi dẫn Cậu đi quán nhậu.
Rượu đã ngà ngà say. Bỗng có một thằng bé phóng chạy ngang, theo sau là ba, bốn người lớn rượt theo, tóm nó lại, đấm đá túi bụi vào nó. Tôi chạy đến can ngăn… Thằng bé đang móc túi thì bị họ phát hiện!
Tôi cho nó một ít tiền rồi trở lại bàn. Cậu nốc cạn ly rượu, nhìn tôi nước mắt rưng rưng!
Tôi nhìn Cậu dò xét, Cậu nói “Không biết trong số những đứa bé khốn khổ đó, có đứa nào là con rơi con rớt của cậu không…”.
 

Thư của đứa con nuôi
Thưa Mẹ,
Hôm nay đánh dấu ngày con đã trưởng thành, kỷ niệm ngày sinh thứ 18 của con, con muốn thưa với mẹ rằng, con là con nuôi của mẹ, con không được mẹ cưu mang từ trong bụng như các anh chị con…Nhưng con được mẹ cưu mang từ trong tim của mẹ... Mẹ ơi!
(Điền ĐôngPhương)
 

SỐNG
Người đàn ông tuổi trung niên, dáng mệt mõi đứng xem bảng kê khai các món ăn trước một cửa hàng ăn uống, rồi bước vào.
Cô phục vụ đến, ông ta hỏi “Một dĩa cơm sườn giá bao nhiêu vậy cô?”.“Mười tám ngàn!”, cô trả lời. Ông khách rút xấp tiền ra khỏi túi quần và cẫn thận đếm những tờ giấy bạc. Đếm xong, ông hỏi tiếp “Vậy còn ly cà phê đá giá bao nhiêu?”. Nhìn khách vào quán đang còn đợi chỗ, cô phục vụ trở nên mất kiên nhẫn: “Năm ngàn!”, cô trả lời có vẻ khó chịu. Ông khách lại đếm đi đếm lại những những tờ giấy bạc của mình một lần nữa rồi nói “Vậy thì cô cho tôi một dĩa cơm sườn và một ly trà thôi!”. Cô phục vụ mang dĩa cơm và ly trà đến rồi quay đi.
Người khách ăn uống xong, đến quầy trả tiền rồi đi khỏi. Khi quay lại, cô phục vụ bất chợt nghẹn ngào trước những gì cô nhìn thấy. Trên bàn, bên cạnh ly nước trà đã cạn là số tiền năm ngàn đồng đặt ngay ngắn –Ông khách đã nhịn ly cà phê đá để dành tiền thưởng phục vụ dành cho cô.
(Sưu tầm)
 

Tình yêu thương không vướng mắc
Năm lên 8 tuổi, Ðức Thanh được cho sang làng khác học, mỗi tháng mới được về thăm nhà một lần. Một hôm trở lại nhà rồi, cậu bé cứ bám lấy mẹ, khóc lóc không chịu đi. Bà mẹ quất cho mấy roi, kéo cậu ra tận bờ sông. Cậu lại nhất định không chịu xuống đò. Bà túm lấy tóc con, đẩy tuột xuống sông rồi bà quay đi luôn. May có bà nội đứng đó kêu người tới cứu và đem cháu về. Bà mẹ nói: Cứu cái thằng ngốc đó làm gì? Rồi lại lôi con đi ra bờ sông. Lúc này thì cậu bé biết mẹ mình chẳng yêu thương mình chút nào hết; cậu đi trọ học mà không còn nhớ nhà nữa.
Sau này, cậu nghe bà nội kể lại mới biết, “Mẹ tôi thường ra bờ sông ngồi khóc. Khi bà nội trách móc, mẹ nói: ‘Con phải làm cho thằng bé nó dứt ra khỏi con, nếu không thì làm sao nó học hành gì được.’”
Ðó là một bài học của người mẹ không biết chữ, dạy cho cậu con biết tâm từ và tâm xả: Tình thương yêu không vướng mắc.

Qua câu chuyện này, tôi nhớ đến chuyện một đứa bé gái khoảng 5 tuổi, bé thường hay nhìn lên trời để ngóng trông ông ngoại đã mất của bé, vì khi sinh thời, ông thương yêu bé hơn cả bản thân ông. Khi ông mất, em hỏi mẹ "Ngoại đang ở đâu vậy mẹ?", người mẹ chỉ tay lên trời đáp "Ngoại đang ở trên trời đó con". Rồi từ đó, bé luôn dõi mắt nhìn lên trời ngóng trông ông ngoại!
Tôi nghĩ, nếu sự vắng mặt của mình có thể mang khổ đau, ân hận, thương tiếc... đến cho ai đó, thì ta nên có cách sống như ngưòi Mẹ trong câu chuyện trên đây, vì để lại những vướng mắc như thế trong lòng người thân yêu... có ích gì đâu.
 

Lần đầu mua phở
Thằng bé mặc bộ quần áo rách bước chân sáo trên đường, mặc gió lạnh.
Nó ghé vào một hàng phở nhỏ, nghèo nàn bên góc phố, đường hoàng nói lớn:
-Dì bán cho con tô phở ba ngàn đem về.
Bà hàng phở nhìn nó, nhưng rồi lại cụp đầu xuống.
Tưởng bà không nghe, nó nói càng to hơn. Nào ngờ, bà mắng xối xả:
-Tao không bán. Mới sáng mà mày đã tới ám tao hả thằng ăn mày! Mua ít vậy sao tao bán?
Nó cúi gằm mặt, nắm chặt mấy tờ giấy bạc nhàu nát trong tay rồi lầm lũi bước đi.
Nó chỉ muốn mua cho mẹ một tô phở nóng, nên để dành mãi từ số tiền ít ỏi bán vé số hàng ngày.
Mẹ nó đang bệnh.

 
Hai cách dạy con
Người Đông phương nghĩ rằng con cái phải chịu ơn cha mẹ về tất cả các thứ mà các cháu được hưởng. Do đó các con phải vâng lời cha mẹ, phải làm sao cho cha mẹ vui lòng; coi chuyện con cái báo hiếu cho cha mẹ là bổn phận… Ngược lại, người Tây phương không cho rằng các con phải chịu ơn mình. Họ nghĩ: “Con cái không chọn ai làm cha mẹ chúng cả. Ngay cả việc chúng ra đời cũng không phải do chúng tự chọn. Thành ra bổn phận cha mẹ là phải nuôi dạy con cái. Con không nợ nần gì cha mẹ hết. Chúng sẽ có bổn phận với những đứa con của chúng sau này.”
 

Lời khuyên của một người cha
-Có ai khen con đẹp, con hãy cảm ơn và quên đi lời khen ấy.
-Có ai bảo con ngoan, hãy cảm ơn và nhớ ngoan hiền hơn nữa.
-Với người òa khóc vì nỗi đau mà họ đang mang, con hãy để bờ vai của mình thấm những giọt nước mắt ấy.
-Với người đang oằn lưng vì nỗi khổ, con hãy đến bên và kề vai gánh giúp.
-Người chìa tay và xin con một đồng. Lần thứ nhất con hãy tặng họ hai đồng. Lần thứ hai con hãy biếu họ một đồng. Lần thứ ba con phải biết lắc đầu. Và đến lần thứ tư con hãy im lặng, bước đi.
-Con hãy biết khen,nhưng đừng vung vãi lời khen như những kẻ vung tiền qua cửa sổ. Lời chê bai con hãy giữ riêng mình.
-Nụ cười cho người, con hãy học cách hào phóng của mặt trời khi tỏa nắng ấm.
-Nỗi đau, con hãy nén trong lòng. Nỗi buồn, hãy biết chia cho người đồng cảm.
-Đừng khóc than, quỵ lụy, van nài... Ngày mai rồi sẽ đến -có bầu trời, gió lộng thênh thang.
-Con hãy đưa tay khi thấy người vấp ngã.
-Cần lánh xa kẻ thích quan quyền.
-Bạn là người biết đau hơn nỗi đau mà con đang có. Thù là người quặn đau với niềm vui đang có ở trong con.
-Chọn bạn sai, cả đời trả giá. Bạn hóa thù, tai họa một đời.
-Con hãy cho và quên ngay.
-Đừng bao giờ mượn dù chỉ một que tăm, sợi chỉ.
-Chớ thấy vui khi mình thanh thản trước điều cần nghĩ. Sự thanh thản chỉ có ở người vô tâm.
-Đừng sợ bóng đêm. Đêm cũng là ngày của những người thiếu đi đôi mắt.
-Đừng vui quá, sẽ đến lúc buồn. Đừng quá buồn,sẽ có lúc vui.
-Tiến bước mà đánh mất mình,con ơi dừng lại! Lùi bước để hiểu mình,con cứ lùi thêm nhiều bước nữa. Chẳng sao!
-Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp. Nhìn xuống thấp, để biết mình chưa cao.
-Con hãy nghĩ về tương lai,nhưng đừng quên quá khứ. Hy vọng vào ngày mai, nhưng đừng buông xuôi hôm nay.
-May rủi là chuyện cuộc đời, nhưng cuộc đời nào chỉ có chuyện rủi may.
-Hãy nói thật ít để làm được nhiều những điều có nghĩa của trái tim.
-Nếu cần, con hãy đi thật xa,để mang về những hạt giống mới. Rồi dâng tặng cho đời,dù chẳng được trả công.

Những điều ba viết cho con, được lấy từ trái tim chân thật, từ những tháng năm lao khổ cuộc đời, từ bao đêm chơi vơi giữa sóng cồn, từ bao ngày vất vả long đong.
Ba viết cho con từ chính cuộc đời Ba. Những bài học một đời cay đắng.
Ba gửi cho con chút nắng, hãy giữ giữa lòng con, khi con đang bước trong cuộc hành trình đầy gai và cạm bẫy con sẽ thấy bớt đau và đỡ phải tủi hờn. Đừng hơn thua làm gì với cuộc đời, con ạ!
Hãy để người thân, bạn bè giành lấy phần họ muốn. Con hãy chậm bước dù là người đến muộn, dù phần con chẳng ai nhớ để dành.
Hãy vui lên trước điều nhân nghĩa. Hãy buồn với chuyện bất nhân. Và hãy tin vào điều có thật: Con người sống để yêu thương.
 

Người đàn bà thứ hai
Mẹ đừng buồn khi anh ấy yêu con
Bởi trước con anh ấy là của mẹ
Anh ấy có thể yêu con một thời trai trẻ
Nhưng suốt đời anh yêu mẹ, mẹ ơi !

Mẹ đã sinh ra anh ấy trên đời
Hình bóng mẹ lồng vào tim anh ấy
Dẫu bây giờ con đuợc yêu thế đấy
Con cũng chỉ là người đàn bà thứ hai...

Mẹ đừng buồn những chiều hôm, những ban mai
Anh ấy có thể nhớ con hơn nhớ mẹ
Nhưng con chỉ là cơn gió nhẹ
Mẹ luôn là bến bờ thương nhớ của đời anh.

Con chỉ là cơn gió mong manh
Những người đàn bà khác có thể thay thế con trong tim anh ấy
Nhưng có một tình yêu âm ỉ cháy
Anh ấy chỉ dành cho mẹ, mẹ ơi !

Anh ấy có thể sống với con suốt cuộc đời
Cũng có thể chia tay trong ngày mai, có thể
Nhưng anh ấy suốt đời yêu mẹ
Dù thế nào, con chỉ là người thứ hai...
Phan Thị Vĩnh Hà

Lời khuyên:
Nếu bạn không may gặp cảnh “mẹ chồng nàng dâu”, thì vào một dịp nào đó ví dụ như vào ngày kỷ niệm sinh nhật của bà, bạn hãy tặng mẹ chồng một món quà trong đó có kèm bài thơ trên đây... Có thể bà sẽ nghĩ lại…
Nếu không có kết quả đối với mẹ chồng, thì ít nhất chồng bạn sẽ quý yêu bạn hơn.
 

Gieo gì gặt nấy
Một thiếu nữ lấy chồng và phải sống chung với mẹ chồng. Ngay từ những ngày đầu cô thấy không thể chịu nổi bà mẹ chồng!
Sở thích của 2 người quá khác biệt. Cô chê bà cổ hủ, bà nói cô bất hiếu.
Ngày qua ngày, hai người cứ hục hặc với nhau. Tình hình xấu hẳn đi, khi bà mẹ theo thói tục cổ xưa bắt nàng phải làm bất cứ điều gì bà muốn.
Đã thế người chồng lại bênh mẹ mình…
Cuối cùng không chịu được nửa, nàng dâu tìm đến một dược sư nổi tiếng, hỏi mua một gói độc dược để giải quyết vấn đề.
Dược sư trao cho cô một gói cỏ lạ, dặn cô phải dọn nhũng món ăn thật ngon, rồi bỏ cỏ lạ này vào trong đó,  sau sáu tháng bà sẽ chầu trời.
Ông cũng dặn: Để không bị nghi ngờ, cô phải tỏ ra thân thiết với bà, không tranh luận, hãy thực hiện những gì bà thích, và cư xử với bà như đối với mẹ ruột.

Cô gái hăm hở về nhà, làm đúng theo lời căn dặn thực hiện âm mưu ám sát mẹ chồng.
Để tránh bị nghi ngờ, cô luôn luôn làm chủ lời ăn tiếng nói, luôn vâng lời mẹ chồng và đối xử với bà như mẹ ruột.
Cô tự nhủ: “Sáu tháng sẽ qua mau, không thèm tranh luận, luôn tỏ ra thân ái và dễ thương…
Sáu tháng sau, tình hình bỗng thay đổi hẳn. Cô không còn cảm thấy bực bội giận dữ nửa, và cảm thấy rất hạnh phúc!
Thái độ của bà mẹ chồng cũng thay đổi, bà coi cô như con ruột và khoe với bạn bè về cô dâu tuyệt vời nhất trần gian. Bà còn bênh cô trước mặt chồng cô.
Nhưng người hạnh phúc nhất trước những thay đổi này chính là người chồng.
Một hôm nàng dâu lại đến với dược sư, hỏi mua thuốc giải… Cô nói: “Hiện nay bà ấy rất dễ thương, liệu có thuốc nào có thể đẩy hết độc tố ra được không?
Vị dược sư cười sảng khoái: “Cô đừng lo, tôi đưa toàn thuốc bổ cả! Thuốc độc thực sự chính là thái độ của cô đối với bà! Nó đã được gột sạch khi cô cố gắng thương yêu bà ta rồi!
Cô nên biết rằng, cô gieo thứ gì cô sẽ gặt được thứ ấy.

Ngạn ngử có câu “Thương người sẽ được người thương”. Trời muốn qua ta để giúp người khác…


Hãy quan tâm lẫn nhau
Một đêm vào năm 1935, thị trưởng thành phố New York đến dự phiên toà về đêm ở một khu phố rất nghèo nàn. Vụ kiện đầu tiên liên quan đến một bà lão ăn cắp bánh mỳ để nuôi các cháu bị đói. Đây là một vụ kiện nhỏ, ông thị trưởng xin chánh án cho mình ngồi ghế quan toà để xử kiện.
Toà tuyên án: “Tôi phạt bà 10 đô la thay vì 10 ngày tù giam. Bà có khiếu nại không?” Bà lão đang ngập ngừng suy nghĩ vì không biết lấy đâu ra 10 đô la để đóng phạt. Vừa lúc ấy ông thị trưởng rút trong túi ra tờ giấy bạc 10 đô la bỏ vào mũ của ông, sau đó chuyền chiếc mũ cho những người có mặt trong phiên toà, nói lớn “Đồng thời tôi xin phạt tất cả những người có mặt trong phòng xử mỗi người 50 xu vì tội: Đã sống trong một thành phố mà có một người già phải đi ăn cắp bánh mỳ để nuôi cháu”. Mọi người đều cười to với phán quyết kỳ quặc này, nhưng cũng vui vẻ đóng phạt 50 xu. Chiếc mũ được chuyền đi một vòng và cuối cùng chuyền đến tay bà lão phạm tội, bà lão lấy 10 đồng đô la đóng tiền phạt và còn lại 74 đô la 50 xu để mua bánh mỳ nuôi cháu.

Nghĩ đến người khác chính là bí quyết để chúng ta trở thành những con người cao thượng. Xã hội hiện tại làm cho con người chỉ biết nghĩ đến mình. Chúng ta lên án những hành vi phạm pháp, nhưng không hiểu được những nguyên nhân thật sự đẩy tội nhân đến chỗ tồi tệ, mà có khi lý do khiến họ sa ngã là vì sự thờ ơ, lãnh đạm và ruồng rẫy của chúng ta. Quan tâm đến những kẻ nghèo khó để chúng ta trắc nghiệm lòng thương xót, là cơ hội để thực hiện những nghĩa cử nhân từ. Khi lòng người mở rộng với kẻ cần sự cứu giúp, đó cũng chính là lúc con người nhận được ánh sáng của tình yêu và niềm hạnh phúc ngọt ngào trong sự ban cho, chia sẻ và quên mình.
 

Câu chuyện của một Samurai
Một hôm, một vị samurai đến thu nợ của người đánh cá. Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài.” Vị samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức. Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận.”
Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống. “Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Đôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đó chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi.” 

Vị samurai trở về nhà khi đã khá muộn. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường. Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai:
“Đừng hành động khi đang giận dữ.” Vị samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn. Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông.
Ông gào lên: “Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi!”
Vợ ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng.”

Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị samurai. “Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa”, người đánh cá phấn khởi nói.
“Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi.” Vị samurai trả lời, “Ngươi đã trả nợ rồi.”


Hãy yêu khi còn có thể
Ngày đẹp trời, một cặp vợ chồng khoảng 70 tuổi đến văn phòng luật sư. Họ muốn làm thủ tục ly hôn.
Lúc đầu vị luật sư vô cùng ngạc nhiên, nhưng sau khi nói chuyện với đôi vợ chồng già, ông đã hiểu ra câu chuyện…

Hơn 40 năm chung sống, cặp vợ chồng này luôn cãi nhau suốt cuộc hôn nhân của họ và dường như chẳng bao giờ đi đến quyết định đúng đắn.
Họ chịu đựng được như vậy đến tận bây giờ là vì những đứa con. Giờ con cái đã lớn, đã có gia đình riêng của chúng, đôi vợ chồng già không còn phải lo lắng điều gì. Họ muốn được tự do sau những năm tháng không hạnh phúc. Cả hai vợ chồng đều đồng ý ly hôn.
Hoàn tất thủ tục ly hôn cho cặp vợ chồng này, với vị luật sư, là điều không hề dễ. Ông thực sự không hiểu vì sao, sau 40 năm chung sống, đến tuổi 70, đôi vợ chồng ấy vẫn muốn ly hôn.
Vừa ký các giấy tờ, người vợ già vừa nói với chồng: “Tôi thực sự yêu ông, nhưng tôi không thể chịu đựng hơn được nữa. Tôi xin lỗi”.
“Không sao mà, tôi hiểu…” - Ông chồng già đáp lời.
Nhìn cảnh này, ông luật sư đề nghị được mời hai vợ chồng ăn tối. Người vợ nghĩ: “Sao lại không? Dù ly hôn vẫn sẽ là bạn cơ mà”.
Bên bàn ăn, một không khí im lặng đến khó xử.
Món ăn mang ra đầu tiên là gà quay. Ngay lập tức người chồng gắp một miếng đùi gà cho vợ: “Bà ăn đi, đó là món bà thích mà”.
Nhìn cảnh này, vị luật sư nghĩ “vẫn còn cơ hội cho họ”. Nhưng người vợ đã cau mày đáp lại: “Vấn đề ở đấy đấy. Ông luôn đề cao mình quá và không bao giờ hiểu cảm giác của tôi. Ông không biết tôi ghét đùi gà thế nào à?”.
Nhưng người vợ không biết, bao nhiêu năm qua, người chồng luôn cố gắng để làm hài lòng bà. Bà không biết, đùi gà là món yêu thích của ông, cũng như ông không biết, bà chưa bao giờ nghĩ rằng ông hiểu bà. Ông không biết bà ghét đùi gà, mặc dù ông chỉ muốn dành những miếng ngon nhất, những điều tốt nhất cho bà thôi.
Đêm đó cả hai vợ chồng già đều không ngủ được. Sau nhiều giờ trằn trọc, người chồng không thể chịu đựng được nữa, ông biết rằng ông vẫn còn yêu bà và không thể sống thiếu bà. Ông muốn bà quay trở lại. Ông muốn nói lời xin lỗi, muốn nói “tôi yêu bà”.
Ông nhấc điện thoại lên và bắt đầu bấm số của bà.. Tiếng chuông không ngừng reo, ông càng không ngừng bấm máy.
Đầu bên kia, bà vợ cũng rất buồn. Bà không hiểu điều gì đã xảy ra sau tất cả những năm tháng sống cùng nhau đó. Ông ấy vẫn không hiểu bà. Bà vẫn rất yêu ông nhưng bà không thể chịu đựng cuộc sống như vậy nữa.
Mặc cho chuông điện thoại reo liên hồi, bà không trả lời dẫu biết rằng đó chính là ông. Bà nghĩ “Nói làm gì nữa khi mọi chuyện đã hết rồi. Mình đòi ly hôn mà, giờ đâm lao phải theo lao, nếu không mất mặt lắm”.
Chuông điện thoại vẫn cứ reo và bà quyết định dứt dây nối ra khỏi điện thoại.
Bà đã không nhớ rằng ông bị đau tim…
Ngày hôm sau, bà nhận được tin ông mất. Như một người mất trí, bà lao thẳng đến căn hộ của ông, nhìn thấy thân thể ông trên chiếc đi văng, tay vẫn giữ chặt điện thoại. Ông bị nhồi máu cơ tim trong khi đang cố gắng gọi cho bà.
Bà đau đớn vô cùng. Một cảm giác mất mát quá lớn bao trùm lên tâm trí.
Bà phải làm rõ tất cả tài sản của ông. Khi bà nhìn vào ngăn kéo, bà thấy một hợp đồng bảo hiểm, được lập từ ngày họ cưới nhau, là của ông làm cho bà.
Kẹp vào trong đó, bà thấy có một mẩu giấy ghi rằng: “Gửi người vợ thân yêu nhất của tôi. Vào lúc bà đọc tờ giấy này, tôi chắc chắn không còn trên cõi đời này nữa. Tôi đã mua bảo hiểm cho bà. Chỉ có 100 đô thôi, nhưng tôi hy vọng nó có thể giúp tôi tiếp tục thực hiện lời hứa của mình khi chúng ta lấy nhau. Tôi đã không thể ở cạnh bà nữa. Tôi muốn số tiền này tiếp tục chăm sóc bà. Đó là cách mà tôi sẽ làm nếu như tôi còn sống. Tôi muốn bà hiểu rằng tôi sẽ luôn luôn ở bên cạnh bà. Yêu bà thật nhiều”.
Nước mắt bà tuôn chảy. Bà cảm thấy yêu ông hơn bao giờ hết.. Bà muốn nói lời xin lỗi, muốn nói “tôi yêu ông”,nhưng ông đã không thể nghe được nữa..

Khi bạn yêu một ai đó, hãy cho họ biết, vì bạn không lường trước được ngày mai sẽ ra sao. Hãy học cách xây đắp hôn nhân hạnh phúc. Hãy học cách yêu nhau nhiều hơn, vì người bạn yêu thương chứ không vì bất kỳ điều gì khác.
Có bao giờ bạn bỗng giật mình khi nghĩ đến những gì mình đã lỡ bỏ qua ??? 



Câu chuyện nhân quả
Một hôm một người đàn ông trông thấy một bà lão với chiếc xe bị hư đậu bên đường. Tuy trời đã sẩm tối anh vẫn có thể thấy bà đang cần giúp đỡ. Vì thế anh lái xe tấp vào lề đậu phía trước chiếc xe Mercedes của bà rồi bước xuống xe.
Chiếc xe Pontiac củ kỉ của anh vẫn nổ máy khi anh tiến đến trước mặt bà. Dù anh tươi cười nhưng bà lão vẫn tỏ vẻ lo ngại. Trước đó khoảng một tiếng đồng hồ không một ai dừng xe lại để giúp bà. Người đàn ông này liệu có thể hãm hại bà không? Trông ông không an toàn cho bà vì ông nhìn có vẻ nghèo và đói.
Người đàn ông đã có thể nhận ra nỗi sợ hãi của bà cụ đang đứng bên ngoài chiếc xe giữa trời lạnh. Anh biết cảm giác lo sợ của bà như thế nào. Cái run đó, nỗi lo sợ trong lòng đó mới là lý do tự nó thành hình trong ta.
Anh nói: “Tôi đến đây là để giúp bà thôi. Bà nên vào trong xe ngồi chờ cho ấm áp? Luôn tiện, tôi tự giới thiệu tôi tên là Bryan Anderson.”

Thật ra thì xe của bà chỉ có mỗi vấn đề là một bánh bị xẹp thôi nhưng đối với một bà già thì nó cũng đủ gây phiền não rồi. Bryan nhìn xuống phía dưới gầm xe tìm một chỗ để con đội vào và đã bị trầy da chổ khớp xương bàn tay một hai lần gì đó. Chẳng bao lâu anh đã thay được bánh xe. Nhưng anh bị dơ bẩn và hai bàn tay bị đau xát.
Trong khi anh đang siết chặt ốc bánh xe, bà cụ xuống cửa kiếng và bắt đầu nói chuyện với anh. Bà cho anh biết bà từ St. Louis đến và chỉ mới đi được một đoạn đường. Bà không thể cám ơn đầy đủ về việc anh đến giúp đỡ cho bà.
Bryan chỉ mỉm cười trong lúc anh đóng nắp thùng xe của bà lại. Bà cụ hỏi bà phải trả cho anh bao nhiêu tiền. Bryan chưa hề nghĩ đến hai lần là sẽ được trả tiền, đây không phải là nghề của anh. Anh chỉ là giúp người đang cần được giúp đỡ vì đã có rất nhiều người trong quá khứ đã ra tay giúp anh. Anh đã sống cả đời mình như thế đó, và chưa bao giờ anh nghĩ sẽ làm chuyện ngược lại.
Anh nói với bà cụ nếu bà thật sự muốn trả ơn cho anh thì lần khác khi bà biết ai cần được giúp đỡ thì bà có thể cho người ấy sự giúp đỡ của bà, và Bryan nói thêm: “Và hãy nghĩ đến tôi…”
Anh chờ cho bà cụ nổ máy và lái xe đi thì anh mới bắt đầu đi về. Hôm ấy là một ngày ảm đạm và lạnh lẽo nhưng anh lại cảm thấy thoải mái khi lái xe về nhà và biến mất trong hoàng hôn.
Chạy được vài dặm trên con lộ bà cụ trông thấy một tiệm ăn nhỏ. Bà ghé lại để tìm cái gì để ăn và để đỡ lạnh phần nào trước khi bà đi đoạn đường chót để về nhà. Đó là một nhà hàng ăn trông có vẻ không được thanh lịch. Bên ngoài là hai cái bơm xăng cũ kỹ. Cảnh vật rất xa lạ với bà. Chị hầu bàn bước qua chỗ bà ngồi mang theo một khăn sạch để bà lau tóc ướt. Chị mỉm cười vui vẻ với bà dù phải đứng suốt ngày để tiếp khách. Bà cụ để ý thấy chị hầu bàn này đang mang thai khoảng tám tháng gì đó nhưng dưới cái nhìn của bà, bà thấy chị không bao giờ lộ sự căng thẳng hay đau nhức mà làm chị thay đổi thái độ.
Bà cụ thắc mắc không hiểu tại sao khi cho một người dù có ít lại cho một người lạ mặt rất nhiều. Rồi bà lại chợt nhớ đến anh chàng tên Bryan hồi nãy.
Sau khi bà ăn xong, bà trả bằng tờ giấy bạc một trăm đô-la. Chị hầu bàn mau mắn đi lấy tiền để thối lại tờ bạc một trăm của bà cụ nhưng bà cụ đã cố ý nhanh chân bước ra khỏi cửa rồi. Lúc chị hầu bàn quay trở lại thì bà cụ đã đi mất . Chị hầu bàn thắc mắc không biết bà cụ kia có thể đi đâu. Khi để ý trên bàn chị thấy có dòng chữ viết lên chiếc khăn giấy lau miệng.
Nước mắt vòng quanh khi chị đọc dòng chữ mà bà cụ viết:
“Cô sẽ không nợ tôi gì cả. Tôi cũng đã ở vào tình cảnh thiếu thốn giống như cô. Có ai đó đã một lần giúp tôi giống như bây giờ tôi đang giúp cô. Nếu cô thực sự nghĩ rằng muốn trả ơn lại cho tôi thì đây là điều cô nên làm: Đừng để cho chuỗi tình thương này kết thúc ở nơi cô.”

Bên dưới tấm khăn giấy lau miệng bà cụ còn lót tặng thêm bốn tờ giấy bạc 100 đô-la. Thật ra, có những bàn ăn cần lau dọn, những hủ đường cần đổ đầy, và những khách hàng để phục vụ nhưng chị hầu bàn đã hoàn tất việc ấy để sửa soạn cho qua ngày mai. Tối hôm đó khi chị đi làm về và leo lên giường nằm thì chị vẫn còn nghĩ về số tiền và những gì bà cụ đã viết cho. Làm thế nào bà cụ đã biết chị và chồng của chị cần số tiền ấy? Với sự sanh nở đứa bé vào tháng tới, điều ấy sẽ là khó khăn….

Chị biết chồng chị lo lắng đến mức nào, và trong lúc anh ta nằm ngủ cạnh chị, chị cho anh một cái hôn nhẹ và thì thào bên tai anh, ‘Mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả. Em thương anh, Bryan Anderson, ạ.’

Có một cổ ngữ “NHÂN NÀO QUẢ NẤY” Hôm nay tôi gửi bạn câu chuyện này, và tôi yêu cầu bạn chuyển tiếp nó. Hãy để cho ngọn đèn này chiếu sáng. Đừng xóa nó, đừng gửi nó trở lại. Chỉ việc chuyển câu chuyện này đến một người bạn. Những người bạn tốt, giống như những vì sao Bạn không luôn luôn trông thấy họ, bạn biết họ luôn luôn có mặt ở đó.
"Cuộc hành trình vạn dậm bắt đầu bằng một bước chân ngắn"


Hạc giấy
Có những món quà thật đơn giản nhưng chứa đựng biết bao nhiêu chân tình. Tôi biết một chàng trai đã gấp 1000 con hạc giấy tặng người anh yêu. Mặc dù lúc đó anh chỉ là một nhân viên quèn trong công ty, tương lai chẳng có vẻ gì xán lạn nhưng họ vẫn luôn hạnh phúc bên nhau. Rồi cho đến một hôm người yêu của anh nói rằng nàng sẽ đi Paris, sẽ không bao giờ còn có dịp gặp lại anh nữa . Nàng rất lấy làm tiếc nhưng rồi nỗi đau của chàng sẽ trở thành dĩ vãng. Hãy để cho nó ngủ yên trong ký ức của mỗi người.

Chàng trai đồng ý nhưng trái tim tan nát. Anh lao vào làm việc quên cả ngày đêm, cuối cùng anh đã thành lập được công ty của riêng mình. Nó không chỉ giúp anh vươn đến những điều trước đây vì thiếu nó mà người yêu đã rời bỏ anh, mà còn giúp anh xua đuổi ra khỏi tâm trí mình một điều gì đó của tháng ngày xưa cũ.

Một ngày mưa tầm tã, trong lúc lái xe, chàng trai tình cờ trông thấy một đôi vợ chồng già cùng che chung một chiếc ô đi trên hè phố. Chiếc ô không đủ sức che cho họ giữa trời mưa gió. Chàng trai nhận ra đó chính là cha mẹ của cô gái ngày xưa. Tình cảm trước đây anh dành cho họ dường như sống lại. Anh chạy xe cạnh đôi vợ chồng già với mong muốn họ nhận ra anh. Anh muốn họ thấy rằng anh bây giờ không còn như xưa, rằng bây giờ anh đã có thể tự mình tạo dựng một công ty riêng, đã có thể ngồi trong một chiếc xe hơi sang trọng. Vâng, chính anh, chính người mà trước đây con gái họ đã từ chối đã làm được điều đó. Đôi vợ chồng cứ lầm lũi bước chậm rãi về phía nghĩa trang. Vội vàng, anh bước ra khỏi xe và đuổi theo họ. Và anh đã gặp lại người xưa của mình, vẫn với nụ cười dịu dàng, đằm thắm nàng từng đem đến cho anh, như thể thời gian không bao giờ làm thay đổi nụ cười ấy, đang dịu dàng nhìn anh từ bức chân dung trên bia mộ. Cạnh cô là món quà của anh, những con hạc giấy ngày nào đang nằm yên trong cái hộp bằng kính. Đến lúc này anh mới biết một sự thật: nàng đã không hề đi Paris. Nàng đã mắc một căn bệnh ung thư và không thể qua khỏi. Nàng đã luôn tin rằng một ngày nào đó anh sẽ làm được nhiều việc, anh sẽ còn tiến rất xa trên bước đường công danh. Và nàng không muốn là vật cản bước chân anh đến tương lai của mình. Vì vậy nàng quyết định xa anh. Nàng mong ước cha mẹ sẽ đặt những con hạc giấy lên mộ nàng, để một ngày nào đó khi số phận đưa anh đến gặp nàng một lần nữa, anh có thể đem chúng về bầu bạn.
Chàng trai bật khóc.

Chúng ta cũng vậy, như chàng trai kia, cũng chỉ nhận ra giá trị lớn lao về sự có mặt của một người mà cuộc đời đã ban tặng cho cuộc sống của chúng ta khi một sáng mai thức giấc, người ấy đã không còn bên ta nữa. Chỉ bởi vì họ đã chẳng yêu bạn như cách mà bạn mong đợi ở họ. Nhưng điều này không có nghĩa rằng họ không dâng hiến tình yêu của họ cho bạn bằng tất cả những gì họ có. Một khi bạn đã yêu, bạn sẽ mãi mãi yêu . Những gì trong tâm trí bạn có thể sẽ ra đi, nhưng những gì trong tim bạn thì mãi mãi ở lại.
Trong tình yêu chẳng có gì khổ đau hơn để nhớ thương một người là ngồi cạnh người ấy mà biết rằng người ấy đã mãi mãi ra đi…
(ST)


Thời gian -quà tặng vô giá.

Có một ngân hàng, mỗi buổi sáng, cung cấp vào tài khoản của bạn 86400USD.
Số dư trong tài khoản không được phép chuyển từ ngày này qua ngày khác.
Mỗi buổi chiều, ngân hàng sẽ hủy bỏ hết số dư còn lại mà bạn đã không dùng hết trong ngày.
Bạn sẽ phải làm gì?
Sử dụng hết số tiền đó, dĩ nhiên!
Mỗi người trong chúng ta đều có một ngân hàng như vậy.
Tên ngân hàng là THỜI GIAN.
Mỗi buổi sáng, ngân hàng này cung cấp cho bạn 86.400 giây.
Vào mỗi buổi tối, ngân hàng sẽ xóa bỏ, coi như bạn mất, thời gian mà bạn không đầu tư được vào các mục đích tốt.
Ngân hàng không cho phép bạn được để lại số dư trong tài khoản.
Cũng không cho phép bạn bội chi.
Mỗi ngày, ngân hàng lại mở một tài khoản mới cho bạn.
Mỗi tối nó lại hủy hết những gì còn lại trong ngày.
Nếu bạn không dùng được hết thời gian mà bạn có trong ngày, người bị mất chính là bạn.

Không có chuyện quay lại ngày hôm qua.
Không có chuyện tiêu trước cho "ngày mai"
Bạn phải sống bằng những gì bạn có trong tài khoản ngày hôm nay.
Hãy đầu tư vào đấy bằng cách nào đó, để bạn có thể nhận được nhiều sức khỏe, hạnh phúc, và thành công nhất!
Đồng hồ vẫn đang chạy.
Hãy cố thực hiện thật nhiều trong ngày hôm nay.
Để biết được giá trị của MỘT NĂM,
hãy hỏi một học sinh bị ở lại một lớp.
Để biết được giá trị của MỘT THÁNG,
hãy hỏi một người mẹ sinh con thiếu tháng.
Để biết được giá trị của MỘT TUẦN,
hãy hỏi biên tập viên của một tuần báo.
Để biết được giá trị của MỘT GIỜ,
hãy hỏi những người yêu nhau đang mong chờ được gặp nhau.
Để biết được giá trị của MỘT PHÚT,
hãy hỏi một người bị lỡ chuyến tàu.
Để biết được giá trị của MỘT GIÂY,
hãy hỏi một người vừa thoát khỏi một tai nạn.
Để biết được giá trị của MỘT PHẦN NGÀN GIÂY,
hãy hỏi người vừa nhận được huy chương bạc trong kỳ thi Olympic.
Hãy quý trọng từng giây phút mà bạn có !
Và hãy nên quý thời gian hơn nữa
bởi vì bạn đang chia sẻ thời gian đó với ai đấy thật đặc biệt đối với bạn, đủ đặc biệt để có thể chia sẻ thời gian của bạn.
Và hãy nhớ rằng thời gian chẳng chờ đợi ai cả.
Ngày hôm qua đã là lịch sử. Ngày mai là một bí ẩn.
Hôm nay là quà tặng. Cũng vì vậy mà nó được gọi là Present !
(có nghĩa là HIỆN TẠI, mà cũng có nghĩa là QUÀ TẶNG ).


Thằng ăn cắp
Ở một làng bên xứ Ấn Độ, có một thương gia nghèo. Ðời sống khó khăn, nạn cường hào ác bá quá đỗi lộng hành khiến bác ta sống không nổi, phải bỏ đi một xứ xa sinh sống. Sống nơi đất khách quê người lâu ngày, lòng riêng vẫn tủi. Lại thêm tuổi đà xế bóng, tính ganh đua, lòng ham muốn cũng mỏi mòn. Một hôm chạnh nhớ cố hương, bác quyết định trở về. Bán hết tài sản lấy tiền mua vàng, gói vào một túi vải giấu trong túi hành lý khoác vai, bác lên đường về quê hương.

Trong vùng quê người thương gia, giữa một cánh đồng, dân trong vùng xây một ngôi chùa nhỏ để các nông phu buổi trưa ghé vào lễ Phật và nghỉ ngơi. Một cây bồ đề lâu năm che bóng rợp xuống một sân nhỏ lát gạch, một cái giếng khơi, nước mát và trong vắt, cũng là nơi cho khách bộ hành ghé chân nghỉ ngơi, giải khát, hoặc đôi khi ngủ qua đêm trong chùa. Chùa không có người coi. Phật tử trong chùa đều là nông dân. Lúc rảnh việc thì tự ý tới làm công quả quét tước, dọn dẹp, chăm sóc cho đám cây cỏ sân chùa lúc nào cũng hương khói quanh năm.

Sau nhiều ngày lặn lội đường xa, người thương gia về gần đến làng cũ. Trời đã xế trưa, nắng gắt. Ði ngang qua chùa, bác ghé vào nghỉ chân dưới gốc bồ đề. Ra giếng nước giải khát, rửa ráy sạch sẽ xong, bác vào chùa lễ Phật. Trong chùa vắng lặng. Bác thắp hương quỳ trước bàn thờ Phật. Ngước nhìn lên, nét mặt đức Thế Tôn vẫn trầm mặc như xưa nay, hơn mười năm qua không có gì thay đổi. Cảnh vật như đứng ngoài thời gian. Lễ xong, người thương gia rời chùa. Thấy bóng chiều đã ngả, đường về còn khá xa, bác liền rảo bước, bỏ quên túi hành lý trong chùa.
Buổi chiều hôm đó, một nông dân nghèo khổ trở về làng sau một ngày làm việc ngoài đồng. Ngang qua chùa, ngày nào cũng vậy, bác ghé vào lễ Phật trước khi trở về nhà. Lễ xong, bác trông thấy một túi vải to để gần bàn thờ. Bác ta nghĩ thầm: “Không biết túi vải của ai đi lễ đã bỏ quên. Nhỡ có người tham tâm lấy mất thì tội nghiệp cho người mất của. Âu là cứ mang về nhà rồi viết bảng thông báo để trả lại cho người ta.”

Về đến nhà, bác nông dân gọi vợ con ra, trỏ vào túi vải, nói:
-Ðây là vật người ta bỏ quên trong chùa. Nay mình cứ tạm kiểm kê rõ ràng, đầy đủ, mai mốt có người đến nhận đúng thì trả lại cho người ta.
Giở ra xem, thấy có gói vàng to, người nông dân nghiêm giọng dặn vợ con:
-Vàng của người ta là một vật rất nguy hiểm. Nó làm nảy lòng tham. Mọi điều bất chính, bất lương, mọi sự đau khổ cũng từ đó phát sinh. Mẹ con mày chớ có dúng tay vào mà khốn!
Bác cất cẩn thận vào rương, khóa lại.

Người thương gia rảo bước về gần đến làng, nhìn xa xa ráng chiều êm ả, những làn khói bếp vương vấn trên rặng tre quen thuộc. Cảnh xưa vẫn còn trong trí bác so với nay như không có gì thay đổi sau hơn mười năm xa cách.
Vừa đến cổng làng, người thương gia mới sực nhớ đã bỏ quên túi hành lý ở chùa. Lo sợ, hốt hoảng, bác vội quay lại con đường cũ, vừa chạy vừa kêu:
-Khổ thân tôi! Thế là tôi mất hết cả sản nghiệp dành dụm từ hơn mười năm nay! Bao nhiêu công lao trôi sống trôi biển cả rồi! Khổ thân tôi chưa!
Người đi đường ai thấy cũng ngạc nhiên.

Tới chùa thì cảnh vẫn vắng tanh, bên trong chỉ có một cụ già đang lễ Phật. Người thương gia vội túm lấy cụ già, hốt hoảng hỏi:
-Túi đồ của tôi đâu? Vàng của tôi đâu?
Cụ già ngạc nhiên:
-Túi đồ nào của bác? Vàng nào của bác?
-Thì cái túi hành lý tôi để quên hồi xế trưa trong chùa này!
Cụ già vẫn bình thản:
-Quả thật lão không thấy túi đồ của bác. Lão đã sống thanh đạm cả đời, nỡ nào trong chốc lát vứt bỏ lương tâm mà tham của người. Bác cứ bình tĩnh. Của mất, có duyên còn có ngày lấy lại, vô duyên thì của cầm trong tay cũng mất. Túi đồ của bác đã thất lạc, bác lại mất luôn cả cái tâm công chính, đỗ vấy cho người là cớ làm sao?

Gần đây có một xóm làng, buổi chiều nông dân thường lễ Phật trước khi về nhà. Bác thử tới đó hỏi xem. Thói thường, thấy vàng là tối mặt lại. Nhưng cũng còn tùy. Cũng còn có nhiều người tốt.
Người thương gia nghe ra, nhận thấy mình vô lý, bèn xin lỗi cụ già rồi theo lời chỉ dẫn, tiếp tục đi tìm. Tới làng, ông ta hỏi nhiều người mà không ai biết. Nghĩ rằng sản nghiệp dành dụm trong mười năm của mình nay phút chốc như chiếc lá vàng rơi theo gió đưa, biết đâu là bờ bến mà tìm! Ðành phó mặc cho bước chân tình cờ may rủi. Khi tới cuối làng, giữa vườn cây cối um tùm có một căn nhà lá nhỏ tồi tàn. Trước cửa treo một tấm bảng đen, với hàng chữ trắng viết to: “Tôi có nhặt được một túi vải bỏ quên trong chùa. Ai là chủ xin tới nhận lại.”

Người thương gia mừng quýnh đập cửa, gặp anh nông dân ra mở hỏi:
-Bác là chủ túi đồ bỏ quên trong chùa?
-Vâng, chính tôi. Tôi đã để quên trong chùa hồi xế trưa nay. Xin cho tôi nhận lại.
-Nếu đó là của bác thì bác phải nói xem túi đồ của bác như thế nào? Trong đựng những gì?
Người thương gia trả lời:
-Ðó là túi vải, trong đựng một ít lương khô đi đường.
Người nông phu nói:
-Thế thì không phải túi đồ của bác.
-Thú thật với bác, cũng còn một số vàng trong một gói vải khác màu đỏ.
Người nông phu nghe tả đúng các đồ vật và số lượng vàng đựng trong túi vải, biết chắc người tới hỏi là chủ nhân bèn mở rương ra, nói với người thương gia:
-Quả thật đó là túi đồ của bác. Xin mời vào nhận.
Người thương gia nhận đủ số vàng, lòng vui khôn tả. Bác thấy cảnh nhà người nông dân nghèo nàn mà lại không có lòng tham, để tỏ lòng biết ơn, bác chia đôi số vàng gói vào một miếng vải đưa cho người nông dân. Bác nói:
-Vàng của tôi tưởng đã mất, may sao lại gặp tấm lòng quý của bác. Tôi xin biếu bác một nửa để tỏ lòng thành thật biết ơn.
Người nông dân ngạc nhiên:
-Trả lại món vật không phải của mình chỉ là một việc bình thường, có ơn gì mà được đền?
-Bác đã làm một điều thiện. Ðược đền ơn là đúng lẽ.
-Làm việc thiện là nghĩa vụ tự nhiên. Đạo lý xưa nay vẫn dạy như vậy. Đó không phải là cái cớ để đòi hay nhận tiền thưởng. Cũng như lòng yêu dân tộc, yêu tổ quốc không phải là cái cớ để được trả công. Vàng của bác do công sức làm ra thì bác hưởng. Tôi có góp công lao gì vào đó mà chia phần? Thôi, xin bác hãy để tôi được sống yên vui trong cái nghèo của tôi hơn là sống giàu có nhờ vào của cải người khác. Như thế cũng là một cách ăn cắp.

Người thương gia không còn lý lẽ gì để nói thêm bèn khoác hành lý lên vai, bất thần vất gói vải đựng nửa số vàng lên bàn rồi bỏ chạy. Ý định của ông ta là bắt buộc bác nông dân phải nhận sự đền ơn, nhưng bác vội nhặt gói vàng rồi đuổi theo, miệng hô hoán:
-Bớ người ta, thằng ăn cắp! Bắt lấy thằng ăn cắp.
Dân trong làng nghe tiếng hô hoán liền đuổi theo bắt được người thương gia dẫn trở lại trước mặt bác nông dân, hỏi:
-Hắn đã ăn cắp vật gì của bác?
-Hắn định ăn cắp cái tâm công chính và chân thật mà tôi có được từ ngày tôi học Phật!

**********Những người làm việc công mà đòi trả ơn, làm việc thiện chỉ do tư lợi, làm việc nước cốt vì quyền hành địa vị... nên suy nghĩ lại.


Cô giáo và học trò lớp 5
Câu chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước. Lúc đó, cô Thompson đang dạy tai trường tiểu học của một thị trấn nhỏ tại Hoa Kỳ.
Vào ngày khai giảng năm học mới, cô đứng trước những em học sinh lớp 5, nhìn cả lớp và nói cô sẽ yêu thương tất cả các học sinh như nhau. Nhưng thực ra cô biết mình sẽ không làm được điều đó bởi cô đã nhìn thấy cậu học sinh Teddy Stoddard ngồi lù lù ngay bàn đầu. Năm ngoái cô đã từng biết Teddy và thấy cậu bé chơi không đẹp với bạn bè, quần áo thì lôi thôi lếch thếch, còn người ngợm thì lại quá bẩn thỉu. "Teddy trông thật khó ưa".
Chẳng những thế, cô Thompson còn dùng cây bút đỏ vạch một chữ thập rõ đậm vào hồ sơ cá nhân của Teddy và ghi chữ F đỏ chói ngay phía ngoài (chữ F là hạng kém).
Ở trường này, vào đầu năm học mỗi giáo viên đều phải xem thành tích học tập của từng học sinh trong lớp mình chủ nhiệm. Cô Thompson đã nhét hồ sơ cá nhân của Teddy đến cuối cùng mới mở ra xem, và cô rất ngạc nhiên về những điều đọc được. Cô giáo chủ nhiệm lớp 1 đã nhận xét Teddy như sau: "Teddy là một đứa trẻ thông minh và luôn vui vẻ. Học giỏi và chăm ngoan... Em là nguồn vui cho người chung quanh". Cô giáo lớp 2 nhận xét: "Teddy là một học sinh xuất sắc, được bạn bè yêu quý nhưng có chút vấn đề vì mẹ em ốm nặng và cuộc sống gia đình thật sự là một cuộc chiến đấu". Giáo viên lớp 3 ghi: "Cái chết của người mẹ đã tác động mạnh đến Teddy. Em đã cố gắng học, nhưng cha em không mấy quan tâm đến con cái và đời sống gia đình sẽ ảnh hưởng đến em nếu em không được giúp đỡ". Giáo viên chủ nhiệm lớp 5 nhận xét: "Teddy tỏ ra lãnh đạm và không tỏ ra thích thú trong học tập. Em không có nhiều bạn và thỉnh thoảng ngủ gục trong lớp".
Đọc đến đây, cô Thompson chợt hiểu ra vấn đề và cảm thấy tự hổ thẹn.
Cô còn thấy áy náy hơn khi đến lễ Giáng sinh, tất cả học sinh trong lớp đem tặng cô những món quà gói giấy màu và gắn nơ thật đẹp, ngoại trừ món quà của Teddy. Em đem tặng cô một gói quà bọc vụng về bằng loại giấy gói hàng nâu xạm màu mà em tận dụng lại từ loại túi giấy gói hàng của tiệm tạp hóa. Cô Thompson cảm thấy đau lòng khi mở gói quà ấy ra trước mặt cả lớp. Một vài học sinh đã bật cười khi thấy cô giơ lên chiếc vòng giả kim cương cũ đã sút mất vài hột đá và một chai nước hoa chỉ còn lại một ít. Nhưng cô đã dập tắt những tiếng cười nhạo kia khi cô khen chiếc vòng đẹp, đeo nó vào tay và xịt một ít nước hoa trong chai lên cổ tay. Hôm đó Teddy đã nán lại cho đến cuối giờ để nói với cô: "Thưa cô, hôm nay cô thơm như mẹ em ngày xưa".
Sau khi đứa bé ra về, cô Thompson đã ngồi khóc cả giờ đồng hồ. Và chính từ hôm đó, ngoài dạy học cô còn lưu tâm chăm sóc cho Teddy hơn trước. Mỗi khi cô đến bàn em để hướng dẫn thêm, tinh thần Teddy dường như phấn chấn hẳn lên. Cô càng động viên em càng tiến bộ nhanh. Vào cuối năm học, Teddy đã trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Và trái với phát biểu của mình vào đầu năm học, đã không yêu thương mọi học sinh như nhau. Teddy là học trò cưng nhất của cô.
Một năm sau, cô tìm thấy một mẩu giấy nhét qua khe cửa. Teddy viết: "Cô là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em".
Sáu năm sau, cô lại nhận được một bức thư ngắn từ Teddy. Cậu cho biết đã tốt nghiệp trung học, đứng hạng ba trong lớp và "Cô vẫn là người thầy tuyệt vời nhất trong đời em".
Bốn năm sau, cô lại nhận được một lá thư nữa. Teddy cho biết dù hoàn cảnh rất khó khăn khiến cho cậu có lúc cảm thấy bế tắc, cậu vẫn quyết tốt nghiệp đại học với hạng xuất sắc nhất, nhưng "Cô vẫn luôn là cô giáo tuyệt vời mà em yêu quý nhất trong đời".
Rồi bốn năm sau nữa cô nhận được bức thư trong đó Teddy báo tin cho biết cậu đã đậu tiến sĩ và quyết định học thêm lên. "Cô vẫn là người thầy tuyệt nhất của đời em", nhưng lúc này tên cậu đã dài hơn. Bức thư ký tên Theodore F. Stoddard - giáo sư tiến sĩ.
Câu chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây. Một bức thư nữa được gửi đến nhà cô Thompson. Teddy kể cậu đã gặp một cô gái và cậu sẽ cưới cô ta. Cậu giải thích vì cha cậu đã mất cách đây vài năm nên cậu mong cô Thompson sẽ đến dự lễ cưới và ngồi ở vị trí vốn thường được dành cho mẹ chú rể.
Và bạn thử đoán xem việc gì đã xảy ra? Ngày đó, cô đeo chiếc vòng kim cương giả bị rớt hột mà Teddy đã tặng cô năm xưa, xức thứ nước hoa mà Teddy nói mẹ cậu đã dùng vào kỳ Giáng sinh cuối cùng trước lúc bà mất.
Họ ôm nhau mừng rỡ và giáo sư Stoddard thì thầm vào tai cô Thompson: "Cám ơn cô đã tin tưởng em. Cám ơn cô rất nhiều vì đã làm cho em cảm thấy mình quan trọng và cho em niềm tin rằng mình sẽ tiến bộ".
Cô Thompson vừa khóc vừa nói nhỏ với cậu:
"Teddy, em nói sai rồi. Chính em mới là người đã dạy cô rằng cô có thể sống khác đi. Cô chỉ biết thế nào là dạy học kể từ khi cô được gặp em".

(Theo Saigon Echo)


Tiền không phải là tất cả!

Tiền có thể mua được ngôi nhà, nhưng không mua được mái ấm gia đình.
Tiền có thể mua được chiếc giường, Nhưng không mua được giấc ngủ.
Tiền có thể mua được chiếc đồng hồ, Nhưng không mua được thời gian.
Tiền có thể mua được sách vở, Nhưng không mua được kiến thức.
Tiền có thể mua được thức ăn, nhưng không mua được sự thèm ăn.
Tiền có thể mua được chức vị, Nhưng không mua được sự ngưỡng mộ.
Tiền có thể mua được máu, nhưng không mua được mạng sống.
Tiền có thể mua được thuốc men, nhưng không mua được sức khỏe.
Tiền có thể mua được sex, nhưng không mua được yình yêu.
Tiền có thể mua được bảo hiểm Nhưng không mua được sự an toàn.

Bạn thấy không, tiền không phải là tất cả!
Tôi nói cho bạn nghe tất cả những điều đó vì tôi là bạn của bạn!
Vì là bạn của bạn, tôi muốn nhận tất cả những nỗi đau, sự chịu đựng mà bạn phải gánh chịu…
Vậy hãy trao cho tôi tất cả tiền bạc của bạn, và tôi sẽ thay bạn mà chịu đựng tất cả…
Ngoài tôi ra, bạn sẽ không bao giờ tìm được người bạn nào đúng nghĩa hơn.
Nhớ chỉ trao tiền mặt thôi nhé? 


Thơ vui về phái yếu
Những người đàn ông các anh có bao nhiêu điều to lớn
Vượt qua ô cửa cỏn con, văn phòng hẹp hàng ngày
Các anh nghĩ ra tàu ngầm, tên lửa, máy bay
Tới thăm dò những hành tinh mới lạ
Tài sản của các anh là những tinh cầu, là vũ trụ
Các anh biết mỏ dầu, mỏ bạc ở nơi đâu

Chính phục đại dương bằng các con tàu
Đi tới tương lai trên con đường ngắn nhất
Mỗi các anh là một nhà chính khách
Các anh quan tâm đến chuyện mất còn của các quốc gia.
Biết bao điều quan trọng được đề ra
Những hiệp ước xoay vần thế giới


Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi
Quen việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây
Gạo, bánh, củi dầu chia thế nào cho đủ
Đầu óc linh tinh toàn nghĩ về chợ búa
Những quả cà, mớ tép , rau dưa
Đối với Nít và Kăng
(Nietzsche và Kant), những siêu nhân nay và xưa
Xin thú thực: chúng tôi thờ ơ hạng nhất
Chúng tôi còn phải xếp hàng mua thịt
Sắm cho con đôi dép tới trường
Chúng tôi quan tâm đến xà phòng, đến thuốc đánh răng
Lo đan áo cho chồng con khỏi rét...
  


 Chúng tôi là những người đàn bà bình thường trên trái đất.
Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay
Càng không có hạt nhân nguyên tử
Chúng tôi chỉ có chậu có nồi có lửa
Có tình yêu và có lời ru
Những con cò con vạc từ xưa
Vẫn lặn lội bờ sông bắt tép
Cuộc sống vẫn ngàn đời nối tiếp
Như trăng lên, như hoa nở mỗi ngày....

Nếu không có ví dụ chúng tôi đây
Liệu cuộc sống có còn là cuộc sống
Ai sẽ mang lại cho các anh vui buồn hạnh phúc
Mở lòng đón các anh sau thất bại nhọc nhằn
Thử nghĩ xem thế giới chỉ đàn ông
Các anh sẽ không còn biết yêu biết ghét
Các anh không đánh nhau nhưng cũng chẳng làm nên gì hết
Thế giới sẽ già nua và sẽ lụi tàn
Ai sẽ là người sinh ra những đứa con
Để tiếp tục giống nòi và dạy chúng biết yêu, biết hát.

Buổi sớm mai ướm bước chân mình lên vết chân trên cát
Bà mẹ đã cho ra đời những Phù Đổng Thiên Vương
Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng
Là bác học... hay là ai đi nữa
Vẫn là con của một người phụ nữ
Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên

Anh thân yêu, người vĩ đại của em
Anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối
Một chút mặn giữa đại dương vời vợi,
Loài rong rêu ai biết đến bao giờ
Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân qua
Là hạt bụi vô tình trên áo
Nhưng nếu sáng nay em chẳng đong được gạo
Thì đến chiều anh chẳng có...cơm ăn!

Vài đoạn thơ vui nhân dịp ngày xuân
Đùa một chút xin các anh đừng giận
Thú thực là chúng tôi cũng không sống được
Nếu không có các anh, thế giới chỉ đàn bà.

(Xuân Quỳnh - 1969)
 

Tờ giấy bạc 20 đô-la
Một diễn giả nổi tiếng đã bắt đầu bài thuyết trình của mình bằng cách đưa lên một tờ giấy bạc 20 đô-la. Trong căn phòng 200 người, ông ta đã hỏi:
-Ai thích tờ giấy bạc 20 đô-la này?
Nhiều bàn tay đã đưa lên.
Ông ta nói: Tôi sẽ tặng tờ giấy bạc này cho một người trong số các bạn, nhưng trước tiên, hãy để tôi làm điều này đã. Ông ta bắt đầu vò tờ giấy bạc. Rồi ông lại hỏi:
-Ai vẫn còn thích tờ giấy bạc này?
Nhiều cánh tay đã đưa lên cao.
-Tốt, vị diễn giả đáp lại, và điều gì xảy ra nếu tôi làm như thế này?
Nói rồi ông thả tờ giấy bạc xuống nền nhà và dùng giày của mình chà xát nó trên nền nhà. Rồi ông ta nhặt nó lên, bây giờ tờ giấy bạc đã bị nhàu nát và dơ bẩn. Và ông hỏi:
-Bây giờ thì có ai vẫn còn thích nó không?
Nhiều cánh tay vẫn còn đưa lên.
Vị diễn giả nói tiếp:
-Thưa các bạn, chúng ta đã học được một bài học rất có giá trị. Bất kể là tôi đã làm gì với tờ giấy bạc này, bạn vẫn thích nó vì nó đã không giảm đi giá trị của nó. Nó vẫn đáng giá 20 đô-la. Nhiều lần trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta đã bị rơi ruống, đã bị nhàu nát và bị nhiễm bẩn bởi những quyết định chúng ta đưa ra và những hoàn cảnh đến với chúng ta. Chúng ta cảm thấy rằng chúng ta là vô dụng. Nhưng, dù điều gì đã xảy ra và sẽ xảy ra đi nữa, bạn vẫn không bao giờ mất đi giá trị của mình, dơ hay sạch, bị nhàu nát hay được gấp cẩn thận, bạn vẫn là vô giá đối với những ai yêu thương bạn. Giá trị cuộc sống của chúng ta không phải từ những gì chúng ta có, những người chúng ta biết mà là bởi chúng ta là ai. Bạn rất là đặc biệt, đừng quên điều đó. Hãy luôn biết ơn những niềm hạnh phúc mà bạn đã và đang có được, và hãy quên đi những khổ đau, phiền muộn.

 
Chiếc Xe Đổ Rác
Một hôm, tôi nhảy lên được một xe tắc xi để vội vã đến sân bay. Xe chúng tôi đang chạy trên băng phải, thì có một chiếc xe đen thui bỗng từ bãi đậu chồm ra ngay trước mũi xe.
Bác tài xế tắc xi của tôi liền đạp thắng, xe lết đi, và chỉ thoát đụng phải chiếc xe kia trong gang tấc! Người lái chiếc xe kia gân cổ lên nhìn chúng tôi lơ láo rồi cất tiếng chửi bới. Bác tài xế của tôi chỉ mỉm cười và còn vẫy tay chào gã kia. Tôi muốn nói bác ta quả thực là người hiền khô, dễ thương quá đi.

Thấy thế, tôi hỏi tại sao bác lại xử sự như vậy. Thằng cha kia suýt nữa đã làm tan nát chiếc xe của bác và đưa cả hai đứa chúng ta vào nhà thương! Và đây là lúc bác tài xế đã dạy cho tôi một bài học mà tôi gọi là “Luật Cư Xử Với Chiếc Xe Đổ Rác”.
Bác tài giải thích rằng trên đời này không thiếu gì những người chẳng khác gì những … xe đổ rác! Họ chạy lông nhông ngoài đường, thân mình đầy rác rưởi, tâm hồn tràn ngập thất vọng, tức giận và bất mãn với đời! Rác rưởi càng chồng chất, thì họ lại càng muốn tìm được nơi nào trút bỏ, và đôi khi họ nhằm ngay chính bạn để trút đống rác đó ! Vậy thì tại sao bạn lại phải chuốc lấy rác này nhỉ? Tại sao không chỉ mỉm cười, vẫy tay chào họ, chúc họ khỏi bệnh, rồi tiếp tục con đường mình đi! Nhớ đừng lấy cọng rác nào của họ để rẩy lên những người khác nơi mình làm việc, trong gia đình mình, hay cho những người mình gặp trên đường phố!

Điểm then chốt cần nhớ là những con người thành công đều là những kẻ không để cho rác rưởi xen vào chiếm đoạt một ngày của đời mình!
Cuộc sống vốn ngắn ngủi, thì cớ sao một giấc ngủ dậy lại phải vấn vương vì một hối tiếc nào đó, nhỉ? Do đó …
Hãy yêu thương những kẻ đã đối xử đẹp với ta!
Hãy tha thứ cho những kẻ … xử tệ với ta!
Cuộc sống này chẳng qua chỉ có 10% là do bạn gây ra. Và còn lại 90% là tuỳ xem bạn đối phó với nó như thế nào!
(Chuyễn ngử sang tiếng Việt của Ototo trên Vietnamese Single Network)
 

Kinh Hòa Bình
Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa, trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa,
Để con:
Đem yêu thương vào nơi oán thù,
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Đem an hòa vào nơi tranh chấp,
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Để con:
Đem tin kính vào nơi nghi nan,
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng
Để con:
Rọi ánh sáng vào nơi tối tăm,
Đem niềm vui đến chốn u sầu
Lạy Chúa, xin hãy dạy con:
Tìm an ủi người hơn đươc người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,
Vì chính khi thứ tha là khi đươc tha thứ,
Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái, xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí
ƠN AN BÌNH.

 

Lạc Quan
Chàng thanh niên nọ lúc nào cũng than vãn số mình không tốt, không thể giàu có được. Một ngày, một ông lão đi qua, nhìn thấy vẻ mặt ủ ê của anh bèn hỏi :
-Chàng trai, sao trông cậu buồn thế, có việc gì không vui à?
-Cháu không hiểu tại sao cháu làm việc chăm chỉ, vất vả mà vẫn nghèo. Chàng trai buồn bã nói.
-Nghèo ư, cháu là một người giàu đó chứ ?
-Chưa ai nói với cháu như vậy cả, cháu rất nghèo.
-Giả như ta chặt ngón tay cái của cháu, ta trả cháu 3 đồng tiền vàng cháu có đồng ý không?
-Không ạ.
-Giả như ta chặt một bàn tay của cháu, ta trả 30 đồng tiền vàng, cháu có chịu không?
-Không bao giờ.
-Vậy ta muốn lấy đi đôi mắt của cháu, ta trả cháu 300 đồng tiền vàng, cháu thấy thế nào?
-Cũng không được.
-Vậy ta trả cháu 3000 đồng tiền vàng để cháu trở thành ông lão như ta, già cả, lú lẫn được không?
-Đương nhiên là không.
-Cháu muốn giàu. Vậy ta sẽ đưa cho cháu 30,000 đồng tiền vàng để lấy đi mạng sống của cháu, cháu thấy thế nào?
-Cháu cảm ơn ông! Cháu đã hiểu cháu cũng là một người giàu có.

Trong cuộc sống, rất nhiều người thường than thân trách phận mà không thực sự hiểu ra mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều người khác. Bạn hãy xem :

-Nếu sáng mai tỉnh dậy, cảm thấy mình khỏe mạnh, thì bạn đã hạnh phúc hơn rát nhiều người không còn cơ hội sống đến ngày mai.
-Nếu bạn còn cảm nhận được vẻ đẹp của một ngày nắng mới, thì bạn đã hạnh phúc hơn hàng triệu người khác không may mắn được nhìn những vẻ đẹp giản dị của đời thường.
-Nếu bạn chưa bao giờ phải trải qua sự tàn phá của chiến tranh, sự đơn độc, lạnh lẽo trong nhà tù, chưa bị đói rét rình rập, thì bạn đã hạnh phúc hơn 500 triệu người trên trái đất.
-Nếu trong tủ lạnh nhà bạn có thức ăn, bạn có quần áo để mặc, có tiền để tiêu xài, thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều người nghèo đói vô gia cư trên thế giới.
-Nếu bạn có tài khoản trong ngân hàng, thì bạn đã được xếp vào nhóm 8% những người giàu nhất thế giới.
-Nếu bố Mẹ bạn vẫn còn sống, và sống vui vẻ hạnh phúc bên nhau, thì bạn thuộc số ít nhóm người hạnh phúc nhất trên thế giới.
-Nếu trên khuôn mặt bạn lúc nào cũng nở nụ cười tươi tắn, bạn luôn cảm thấy lạc quan yêu đời, thì bạn là người vô cùng hạnh phúc bởi trên thế giới có rất nhiều người muốn lạc quan như bạn mà không được.
-Nếu bạn được ôm người thân vào lòng hay được chia sẻ cùng họ những tâm sự của mình, thì bạn đã là người hạnh phúc hơn nhiều người khác không bao giờ nhận được tình yêu thương từ người khác.
-Nếu bạn vẫn còn nhận được những lời chúc phúc từ những người xung quanh, thì bạn đã hạnh phúc hơn rất nhiều người cô đơn, không người thân thuộc.
-Nếu bạn đọc được những dòng chữ này, thì bạn đã hạnh phúc hơn 2 tỷ người không thể đọc được trên thế giới.
-Sau khi bạn đọc xong những dòng chữ này, bạn có thể nhìn lại mình qua gương và mỉm cười :" Hóa ra, mình cũng là một người giàu có và hạnh phúc".
 

Triết lý Nhân Sinh

- Một người đàn ông dễ dàng từ bỏ 1 chuyện tình 20 năm hơn 1 mối quan hệ với cô gái 20 tuổi.

- Có những lúc quay đầu nhìn lại rồi lặng lẽ tiếp bước ra đi, bởi đôi khi chỉ nhìn là biết có những thứ không thuộc về ta.

-Có một câu nói rất hay rằng tức giận là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình, cứ mãi nhớ và không quên khuyết điểm của người khác thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bản thân mình, bởi lẽ đó để có được niềm vui và cuộc sống thanh thản ta không nên truy cứu lỗi lầm cũ của người khác.

-Yêu thương như bạn vẫn thường yêu thương, sống như bạn vẫn thường sống nhưng với một niềm tin là bạn không thể có cuộc sống này lần nữa.

-"Điều gì làm Ngài ngạc nhiên nhất ở nhân loại?"
Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời:
"Con người … bởi vì con người phung phí sức khỏe để tích tiền của, rồi lại bỏ tiền ra để tìm mua lại sức khỏe.
Và vì quá lo nghĩ cho tương lai, con người quên mất hiện tại, đến nỗi không sống với hiện tại lẫn tương lai.
Con người sống như thể sẽ không bao giờ chết … Nhưng rồi sẽ chết như chưa từng sống bao giờ."

-Thiên Đàng, Địa Ngục có đáng để ta lo lắng không?
Có hai chuyện phải lo lắng:
Hoặc là bạn khỏe mạnh hoặc bạn bị ốm đau.

Nếu khỏe mạnh, thì chẳng có gì phải lo lắng
Nếu bị ốm đau, thì có hai điều phải lo lắng:
Hoặc sẽ được bình phục hoặc sẽ chết.

Nếu đưọc bình phục, thì chẳng có gì phải lo lắng.
Nếu phải bị chết, thì có hai điều phải lo lắng.
Hoặc lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục.

Nếu lên thiên đàng, thì chẳng có gì phải lo lắng.
Nếu xuống địa ngục, thì sẽ bận tíu tít bắt tay bạn bè cũ,
còn thì giờ đâu nữa mà lo với lắng

Thế thì tại sao bạn phải lo???
 

Tình một người cha dành cho đứa con tật nguyền
Một hôm, một đứa con nói với bố "Bố ơi, Bố có chiụ chạy marathon với con không?" và người bố trả lời " Chịu liền." Thế là hai bố con chạy chuyến marathon lần đầu tiên.
Một lần khác, đứa con lại hỏi bố, "Bố ơi, Bố có chịu chạy marathon với con một lần nữa không?" và người bố lại trả lời "Chịu." Hai bố con chạy marathon lần nữa.
Thế rồi một hôm sau đó, đứa con nói với bố nó "Bố ơi, Bố có dám chạy cuộc đua Ironman với con không?" Ironman là cuộc đua triathlon gồm bơi 4 cây số, chạy xe đạp 180 cây số, và chạy bộ 42 cây số liền tù tì. Đó là cuộc đua gay go nhất trên đời. Thế mà người bố vẫn trả lời ngon lành "Được thôi."

Câu chuyện tưởng chẳng có gì là ghê gớm. Cho đến khi bạn vào xem cuốn video sau đây: