Đi Trong Lửa Đạn








TẾT MẬU THÂN
 
Điền Đông Phương
Phải nói rằng, cứ mỗi khi họ “lên đợt”, nghĩa là họ tập trung lực lượng để đánh vào những quận lỵ, đồn bót hay tấn công một đơn vị địa phương nào đó, là coi như đó là dịp tốt để chúng tôi đến mà “hốt” gọn! Vì quanh năm suốt tháng phải đi hành quân truy lùng hàng ngày vào tận sào huyệt (mật khu, vùng giải phóng) của họ, mà chẳng bao giờ chạm súng cả. Họa hoằng lắm, có anh du kích nào đó cà ngơ chạy không kịp thì bị chúng tôi bắt sống mà thôi. Cho nên sau này mỗi khi anh em nhắc đến Tết Mậu Thân, là coi như chúng tôi nhắc đến một cái dịp bằng vàng! 

Hôm đó, chiều 30 Tết, chúng tôi được lệnh rời Vĩnh Bình (Trà Vinh) trở về hậu cứ ở Cái Vồn (cạnh bến phà Cần Thơ) để nghỉ Tết. Chi đoàn vừa di chuyển đến ngã ba Vũng Liêm thì được lệnh dừng lại ở đó để chờ lệnh mới! Và sáng hôm sau chúng tôi được lệnh quay trở lại Vĩnh Bình! 
Ai cũng bực tức, vì ăn Tết mà không về hậu cứ thì cũng như không! Nhưng khi Chi đoàn còn cách Bình Phú khoảng 1 cây số thì gặp phải cái mô mới đắp nằm giữa đường… Mọi người chợt hiểu! 
Tôi thầm hỏi hưu chiến cái kiểu gì vậy?!
Khi Chi đoàn xuống ruộng đi vòng để tránh cái mô thì Đại úy Tá (Chi Đoàn Trưởng) cho biết là đêm qua Việt Cộng đã chiếm Toà Hành Chánh và nhiều vị trí khác trong thành phố Vĩnh Bình. 
Thế là xong cái Tết! Tết Mậu Thân. 

Ngay sau khi vào thành phố chúng tôi phối hợp với Đại Đội Trinh Sát 14 tấn công vào Tòa Hành Chánh, đến chiều thì ổ kháng cự cuối cùng của VC bị tiêu diệt và chúng tôi chiếm lại Toà Hành Chánh. Qua hôm sau, phối hợp với Trung Đoàn 14 Bộ Binh đồn trú tại Vĩnh Bình, chúng tôi chia nhau đánh vào những cứ điểm khác bị địch chiếm rải rác trong thành phố… Riêng chùa Ông Mẹt đã bị thiệt hại nặng vì chùa được xây cất rất kiên cố và đối phương cố thủ trong đó. Đến ngày mùng 5 Tết thì coi như không còn bóng dáng anh Việt Cộng nào trong thành phố Vĩnh Bình nữa, và Chi đoàn đã xé lẻ từng Chi đội để qua đêm ở những điểm trọng yếu. 

Đêm mùng 6 Tết, Chi đội tôi bố trí qua đêm ở trước Bưu Điện, nằm trong xe mở radio nghe tin tức, tôi lần qua nghe đài Việt cộng, và “Đây là Đài Phát thanh Giải Phóng, tiếng nói của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam”, trong bản tin đó, có một bản tin mà cho đến giờ này tôi vẫn còn nhớ từng tiếng : “Toàn bộ Chi đoàn xe bọc thép Ngụy Sài Gòn tại tỉnh Trà Vinh đã bị tiêu diệt”. Trời đất! Tôi vội tắt máy, bước ra khỏi xe. Đưa mắt nhìn về những con cua sắt đang nằm lầm lỳ trước cổng Tòa Án gần đó, tôi bỗng bật cười… Cười vì trong mấy ngày qua, Chi đoàn tôi chỉ bị trúng có một viên đạn súng cá nhân bắn tỉa mà thôi. Viên đạn đó trúng vào cái lá chắn che đạn trên xe của tôi nghe một tiếng “keng” và để lại một vết trầy nhỏ. Lúc đó Hạ sĩ nhất Thạch Inh đang nhắm điều chỉnh khẩu đại bác 57 ly không giật để bắn vào một vị trí cố thủ trong chùa Ông Mẹt thì nghe tiếng “keng” đó, anh từ từ quay sang nhìn tôi rồi nói chậm rãi “Nó mới bắn đó!”, rồi cũng từ từ quay lại tiếp tục điều chỉnh khẩu đại bác và bắn! Ngoài ra tính đến hôm đó, chẳng có xe nào bị trúng đạn, cũng chẳng có ai bị thương cả! Ngoài ra họ có bắn được một quả đạn chống tăng (B40), nhưng bắn hụt! 
Vậy mà họ có thể đưa tin là đơn vị chúng tôi đã bị tiêu diệt hoàn toàn, thì còn trời đất gì nữa!!! 

Qua ngày hôm sau chúng tôi bắt đầu qua đêm bên ngoài thành phố để chuẩn bị hành quân đến các vùng phụ cận, các quận lỵ, đồn bót trong tỉnh để giải toả áp lực địch ở những nơi đó. 
Đêm đó, cách chỗ chúng tôi qua đêm khoảng 1 cây số, họ tập họp dân chúng để hô vang những tiếng “Hoan hô… Hoan hô”, cho đến khi chúng tôi phải dùng súng cối bắn mấy quả đạn chiếu sáng, tiếng hô mới im! Cho nên sáng hôm sau trên hướng tiến đầu tiên của chúng tôi là tiến về quận Cầu Ngan, chúng tôi đã phải di chuyển rất thận trọng. 
Đi được khoảng 5 cây số, thì chúng tôi phát hiện địch, anh trưởng xa của xe đi đầu báo cáo trong máy “Tụi nó đông quá, chạy qua chạy lại tùm lum…”. Thế là chúng tôi tăng tốc độ, và đúng như vậy, họ đang chạy dọc theo con đường đất dẫn ra khu đầm lầy phía sau xã Bàng Đa và nổ súng, chúng tôi lập tức khai hỏa và tràn tới bám lấy con đường đất. Cuộc giao tranh chỉ diễn ra khoảng 20 phút ngắn ngủi thì họ đã im tiếng súng, Đại úy Tá ra lệnh cho khinh kỵ hạ chiến lục soát. 
Nhìn khoảng 30 mươi xác chết được kéo lên xếp dọc trên con đường đất, có những xác trên người chỉ có một quả lựu đạn…Rồi hỏi chuyện khoảng hơn 20 người bị chúng tôi bắt sống thì trong đó có 6 chú là thiếu niên 15, 16 tuổi chỉ mới đi theo họ vài ngày, mỗi người cũng chỉ được họ cấp cho một hoặc hai quả lựu đạn! Tôi chợt hiểu… 
Họ không ngờ chúng tôi đến bất thần như thế! Có lẽ vì bản tin “Toàn bộ Chi đoàn xe bọc thép Ngụy Sài Gòn tại tỉnh Trà Vinh đã bị tiêu diệt” mà họ đã phải nhận lấy hậu quả, vì đã tin theo những lời dối trá đó! 

Rồi thì đại khái như thế, những ngày sau đó chúng tôi lần lượt giải tỏa áp lực địch trên toàn lãnh thổ tỉnh Vĩnh Bình từ Cầu Ngan ra tận biển, rồi quay lại Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Kè, ngược lên Càng Long và sau cùng là trở về Vĩnh Long để tăng cường các đơn vị bạn ở đó. 

Chỉ trong một tháng đầu ngắn ngủi của năm Mậu Thân 1968 mà đã có biết bao nhiêu chuyện buồn vui… Từ chuyện vợ tôi bây giờ (năm đó còn là người tình, chưa cưới) cũng chỉ vì nghe được cái bản tin toàn bộ Chi đoàn tôi bị tiêu diệt của “Đài Giải Phóng” và nghe ai đó nói tôi đã tử trận, nên đã lặn lội (đi bộ) từ Vĩnh Long xuống đến Vĩnh Bình và sau cùng là vào đến Thầy Phó với biết bao nhiêu bất trắc chờ đợi trên đường, tay chỉ ôm theo một bộ quần áo trận của tôi, nhưng vẫn không gặp được tôi vì đơn vị nay đây mai đó! Chuyện người con gái khoảng 17 mà tôi không hề biết tên, nhà cô là ngôi biệt thự bên kia đường xéo với chợ Càng Long mà có một lần xe tôi đậu bên cạnh, tôi đã vào nhờ cô vá giùm cái quần bị móc rách. Ngay hôm mùng 2 Tết đang đánh vào chùa Ông Mẹt, cô đã đến tận xe tìm tôi trong tiếng đạn bay… Tôi phải hét lên giận dữ cô mới chịu đi về… Chuyện tôi lần đầu gặp “Út Bàng Đa”, người con gái Miên lai Tàu nổi danh là người đẹp nhất Trà Vinh thời đó, trong cảnh cô và gia đình đang nằm im dưới gầm bộ ván trong nhà cô… Trong cơn kinh hoàng vì kẹt giữa bom đạn, cô nằm yên đưa mắt nhìn tôi… Ôi cha… Đôi mắt mà cho đến bây giờ tôi chưa thấy đôi mắt nào đẹp hơn! Chuyện những người lính ở những tiền đồn xa xôi bị vây hãm, những người bị chết đã phải bị chôn cất ngay bên trong đồn vào ban đêm vì không thể ra khỏi đồn được… Chuyện những tiền đồn đã cố thủ hơn 20 ngày, gọi về Tiểu Khu kêu cứu trước khi họ buông súng đầu hàng, dù Tiểu Khu trấn an hãy cố thủ thêm chỉ 1 ngày nữa là chúng tôi sẽ đến nơi… Và đúng như lời Tiểu Khu hứa, ngày hôm sau chúng tôi đến nơi thì chỉ còn cái đồn hoang vắng, họ đã bị giết hoặc bị bắt dẫn đi vì đã đầu hàng… Nhưng nói chung thì những người lính Địa Phương Quân, Nghĩa Quân đã bỏ đồn về đêm, rồi lén đến những chùa Miên gần đó cạo đầu, mặc áo cà sa… như những nhà sư… Cho đến khi chúng tôi đến! (Ở tỉnh Trà Vinh, hầu hết lính ở đồn là người Việt gốc Miên). Buồn cười nhất là có một cô nữ giao liên VC khoảng 20 tuổi bị chúng tôi bắt 4 lần, lần đầu là trong đám khoảng hơn 20 VC bị bắt sống ở Bàng Đa, và 3 lần sau đó ở những nơi khác sau khi chạm súng. Cô trông khá đẹp và rất hiền lành, sau khi rời khỏi địa đểm giao tranh thì chúng tôi luôn luôn bỏ cô lại đó, chỉ bắt giữ những anh VC mà thôi, vì chở đàn bà con gái trên xe… xui lắm! Buồn cười ở chỗ là cả 4 lần cô đều bị chi đội của thiếu úy Đứa bắt, mà thiếu úy Đứa lại là anh chàng rất đẹp trai, cao lớn… Không biết có phải vì cô mê Đứa đến nỗi dẫn đồng chí của mình đi nạp mạng chỉ để… gặp Đứa hay không! 

Đại khái Tết Mậu Thân đối với đơn vị tôi là như thế… 

Rồi đơn vị tôi dời hậu cứ xuống đồn trú luôn tại Vĩnh Bình, hậu cứ đầu tiên là tại góc của Ao Bà Om, giáp với hàng rào chùa Âng. Những tháng ngày sau đó, chuyện đi hành quân các loại như truy tìm, bình định… ở tỉnh Trà Vinh đối chúng tôi chẳng khác gì đi cắm trại, vì chẳng bao giờ đụng trận cả, họ đã bỏ trốn đi trước khi chúng tôi đến nơi, nhà cửa của họ trong mật khu,vùng giải phóng chỉ có người già, đàn bà con nít là vợ con của họ mà thôi. Dù biết chính những phụ nữ, trẻ em đó cũng hoạt động du kích, giao liên… nhưng chúng tôi không đá động gì đến họ, kể cả những khi tìm gặp được khẩu súng dấu trong bồ lúa hoặc ở đâu đó trong nhà, trong đất nhà họ cũng vậy!
 


Trận Kompong Trach
Điền Đông Phương
Cuối tháng 4 năm 1972, khi đơn vị tôi đang làm nhiệm vụ ngăn chận đường dây xâm nhập của quân cộng sản Bắc Việt từ Kampuchea qua ngã Hà Tiên đến Thất Sơn, dựng hàng rào kẽm gai dọc theo kinh Tám Ngàn từ Vàm Rầy (ở khoảng giữa đường từ Rạch Giá đi Hà Tiên) thẳng đến Ba Chúc, Tri Tôn thuộc vùng núi Thất Sơn, Châu Đốc được hơn một tháng.
Hôm đó tôi đi ca nô ra thăm chi đội đang bảo vệ căn cứ hỏa lực đóng ở Vàm Rầy, mục đích là để thăm người bạn kết nghĩa cũng là Chi Đoàn Phó của tôi, Nghê Thành Thân.
Chuẩn úy Nghê Thành Thân nhận 
Bronze Star tại sân cờ Thiết Đoàn 2 Kỵ Binh
Tôi xin nói thêm một chút về Nghê Thành Thân, con người của một thời lừng lẫy.
Hai chúng tôi cùng tuổi, nhưng vì tôi nhập ngũ trước Thân nên coi như là niên trưởng! Lời hứa giữa hai chúng tôi là, nếu một trong hai người chết đi, thì người còn sống sẽ đùm bọc gia đình của người đã ra đi!
Thân rất đặc biệt, là con một của ông chủ rạp hát ở Cà Mau, tốt nghiệp quân trường với danh vị Thủ Khoa khoá 19 Sĩ Quan Căn Bản Thiết Giáp, ngày đáo nhậm đơn vị thì chính ông Bố dẫn con trai đến trình diện Thiết Đoàn Trưởng với lời “gửi gắm” xin cho con mình ra phục vụ đơn vị nào… dữ nhất! Ông Bố chịu chơi này cũng chính là người đã nhiều lần đến quân trường để đứng từ bên ngoài dỡ hàng rào kẽm gai lên cho con mình đang là Sinh Viên Sĩ Quan chui “lỗ chó” để “dù” về Sài gòn, rồi hai cha con đi nhậu trong đêm, sáng trở lại quân trường! Cũng chính ông đã nhiều lần lặn lội, vượt qua nhiều trạm của Việt Cộng để thăm con trong vùng hành quân, lần nào cũng xách theo một giỏ xách đầy… rùa! Vì ông biết chúng tôi khoái nhậu rùa, nhưng không dám chở rùa trên xe vì sợ… xui!
Tướng Trần Bá Di chia vui
Có lẽ Thân cũng là người duy nhất mà khi còn ở cấp bậc Thiếu úy đã có được 4 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, Bronze Star của Hoa Kỳ, chưa kể những anh dũng bội tinh với sao vàng, sao bạc! Một con người mà ai cũng quý mến, trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, danh tướng Nguyễn Khoa Nam mỗi khi có dịp họp với các đơn vị thì bất kể các tư lệnh Sư Đoàn, Trung Đoàn Trưởng… ông luôn kéo Thân lên ngồi bên cạnh ông, dù lúc đó Thân chỉ là Đại úy!

Trở lại hôm đó, khi hai anh em uống gần hết hai hũ Ngũ Gia Bì, điểm đặc biệt khi chúng tôi uống rượu với nhau là không ai nói lời nào ngoài câu "Mình cạn ly này...", nhưng hôm đó thì ngoại lệ, khi Thân trầm ngâm một lát, rồi nói với tôi:
-Trong vòng nửa tháng nữa, tôi sẽ chết… anh Điền!
Tôi biết Thân đang nói chuyện nghiêm chỉnh, nên hỏi:
-Tại sao anh biết?
Thân đưa tay vào ngực áo, móc ra tượng Phật làm bằng nanh heo rừng:
-Tượng Phật báo!
Tôi thấy lòng mình chùng xuống, không thể uống hết phần còn lại của ly rượu, tôi đứng lên đi xuống ca nô trở về căn cứ!
Khi ca nô về gần đến căn cứ thì Thiết Đoàn Trưởng gọi, bảo tôi chuẩn bị 10 phút sau sẽ có trực thăng đến bốc tôi lên Hòn Sóc gặp ông.

Tại Hòn Sóc, tôi nhận lệnh thu xếp tất cả các thứ để ngay chiều hôm đó đưa Chi Đoàn đến Tô Châu, Hà Tiên để trình diện Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Quân Đoàn IV đang ở đó. Nhiệm vụ của chúng tôi là đi Kompong Trach để giải tỏa áp lực địch, vào bắt tay với Lữ Đoàn 4 Kỵ Binh (gồm 2 thiết đoàn) và 2 Tiểu Đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng do Đại tá Biệt Động Quân Phạm Duy Tất làm Chiến Đoàn Trưởng; Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn đang trú đóng gần thị trấn Kompong Trach… Cả Chiến đoàn đang chịu áp lực rất nặng của Công Trường 1 CSBV từ nhiều ngày qua, Lữ đoàn 4 Kỵ Binh đã bị bắn cháy 19 thiết vận xa M113; Thiết đoàn 9 (trừ) của Trung Tá Phạm Minh Xuân được tăng phái đến, vừa đến Kampong Trach lúc 11 giờ đêm, bị điều động đến bố trí qua đêm tại khu vườn tiêu cách Thị trấn Kompong Trach 2 cây số về hướng Tây Bắc thì bị tan nát trong vòng nửa tiếng đồng hồ, chỉ còn lại 21 chiếc; thuốc men, thực phẩm, đạn dược… thả dù tiếp tế nếu rơi ra ngoài phòng tuyến khoảng 50 mét là coi như bỏ, không lấy được…

Chẳng lẽ lời báo trước của Nghê Thành Thân sẽ là sự thật?!

Vì quá gấp rút, chỉ có 2 chiếc GMC dùng để chở anh em ở hậu cứ lên công tác và hơn 40 lao công đào binh (đến để làm hàng rào ngăn chận) cùng một số dụng cụ, nên tôi cho lệnh ném bỏ mấy ngàn cọc sắt và khoảng một ngàn cuộn kẽm gai còn lại xuống lòng kinh Vàm Rầy, nơi rộng và sâu nhất.
Khi đơn vị đang vượt kinh ở cầu Lỳnh Quỳnh, tôi đến gặp Nghê Thành Thân:
-Tình hình cũng… không có gì! Tôi đưa chi đoàn đến Tô Châu, còn anh thì dẫn anh em hậu cứ và lao công đào binh về nghỉ một thời gian, coi sắp xếp lại hậu cứ giùm tôi…
Thân nhìn tôi đăm đăm:
-Nhưng tại sao đi gấp quá vậy? Không có cả thời giờ để chở cọc sắt kẽm gai về nữa…
-Thì tới Tô Châu mới nhận lệnh, bây giờ chưa biết…
Thân đưa “cặp mắt Đại Hàn” nhìn thẳng tôi, rồi với cái nhếch mép cười cố hữu:
-Tôi không thể bỏ anh trong trận này được, anh Điền…
Sau đó mặc tôi nói gì thì nói, Thân quyết không về hậu cứ. Chiều hôm đó, tại Tô Châu, tôi đã nói cho Thiết Đoàn Trưởng và bạn cùng khóa Phạm Khắc Phước nghe về điềm báo của Thân để nhờ hai người này thuyết phục Thân về hậu cứ, nhưng vô hiệu!

Sau đó tôi đưa đơn vị qua khỏi Thạch Động khoảng 2 cây số và qua đêm ở đó.
Sáng hôm sau, trong khi chờ Biệt Động Quân đến tùng thiết, thì đơn vị tôi và 2 chi đoàn của anh Cứ và Ron nhận tiếp tế nhiên liệu, riêng đạn dược thì chất vào xe đến mức tối đa.
Đến trưa thì trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân Đoàn 4 cùng với tướng Nguyễn Huy Ánh, Tư Lệnh Sư Đoàn 4 Không Quân đáp trực thăng xuống gặp tôi. Sau khi bắt tay tôi và các sĩ quan trong chi đoàn, vị tướng được xếp vào hàng đầu của QLVNCH bỗng ngồi xuống, tay cầm cây viết vẽ xuống đất để nói về tình hình chung cả nước, rồi nói về mặt trận mà chúng tôi sẽ phải đối mặt. Ông cũng cho biết là lực lượng đi giải tỏa chỉ có chúng tôi là Thiết Đoàn 2 Kỵ Binh (gồm 3 Chi Đoàn) và tiểu đoàn 58 Biệt Động Quân mà thôi, rồi ông kết luận:
-Vùng I là mặt trận Quảng Trị, Vùng II là Kontum, Vùng III là An Lộc… Còn Vùng IV là trận này!
Nói xong ông quay sang nhìn tôi:
-Các anh là lực lượng trừ bị cuối cùng của Vùng IV, nếu các anh thành công, thì Vùng IV yên. Nếu các anh thất bại thì Vùng IV sẽ như ba Vùng kia.
Nói xong ông đứng lên, tôi cũng đứng lên theo và nhìn thẳng vào khuôn mặt khắc khổ của vị tướng mà tôi hết lòng ngưỡng mộ. Ông nhìn tôi một lúc rồi nói:
-Tôi biết chi đoàn của anh “chì” lắm, cố gắng nghe anh Điền! Tôi sẽ xử dụng tối đa hỏa lực phi pháo để yểm trợ cho các anh…
Tôi đáp:
-Trình trung tướng, tinh thần chiến đấu của anh em cao. Trung tướng yên tâm…

Chiều hôm đó, đoàn xe chở tiểu đoàn 58 Biệt Động Quân đến, và người bước xuống xe đầu tiên lại là Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, ông ngồi trên chiếc xe GMC chở quân đi đầu! Sau khi xuống xe, ông đi thẳng đến một cây thốt nốt rồi đứng đó nhìn đoàn quân ít ỏi chuẩn bị thi hành một nhiệm vụ quá lớn! Sau khi đến nói chuyện với người bạn cũ là đại úy Măng, tiểu đoàn trưởng TĐ 58 BĐQ, tôi trở lại chi đoàn, thì tướng Trưởng từ cây thốt nốt đi nhanh về phía tôi, khi đến gần tôi ông không chào đáp mà chỉ bắt tay tôi với lời dặn dò “Cố gắng nghe anh Điền”, rồi lại quay về đứng bên cây thốt nốt!

Tối hôm đó, tôi họp các chi đội trưởng, Nghê Thành Thân đã nói một câu mà cho đến giờ phút này, vẫn còn đầy đủ giá trị: “Trận này coi bộ khó nuốt... Nhưng có tướng Trưởng đích thân điều động, thì khỏi lo!”.

Ngày hôm sau, chúng tôi bắt đầu nhập trận, đoàn quân đi như gió bão, chiếm từng cụm vườn, từng khu xóm… hướng về Kompong Trach.
Đến trưa thì chạm súng, phải đến chiều hôm đó mới thanh toán xong những ổ kháng cự.
Rồi hai ngày sau đó, chúng tôi bị cầm chân ở khu vực gần ngôi chùa nằm cách Kompong Trach khoảng 5 cây số, vì cộng quân gài chốt ở khắp nơi.
Đến ngày thứ 6 thì chúng tôi bám sát được ngôi chùa. Chi đoàn của đại úy Ron bên cánh trái, của đại úy Cứ phía sau, cứ thế chúng tôi cùng với Biệt Động Quân tùng thiết tiến dần về hướng Bắc.
Hôm đó, trong khi yểm trợ cho BĐQ thanh toán ngôi chùa nằm sát con lộ, tự nhiên tôi linh cảm một cái gì hắc ám từ cánh đồng trống mênh mông bên phải, nhìn về hướng Thất Sơn. Đó là cánh đồng lầy ngút ngàn trông như biển khơi, tôi liền điều động một chi đội cùng với Nghê Thành Thân án ngữ về hướng đó. Khoảng một giờ sau, có lẽ tức quá, vì trong khi anh em đang chạm súng rầm rầm mà tôi lại bố trí Thân và một chi đội hướng ra đồng trống, Thân bỏ xe đi bộ tới gặp tôi:
-Ở đó trống quá có gì đâu Đông Phương?
Tôi giải thích:
-Anh nằm ngoài đó án ngữ rồi quan sát về phía Bắc giùm để trong này được yên tâm, chứ ở đây rậm quá…
Thân quay trở lại xe, khoảng nửa giờ sau thì y như rằng, một tiếng nổ ầm ngay ngoài đồng trống (họ đánh kiểu “đội mồ”) bắn trúng xe của Nghê Thành Thân. Không còn nghe tiếng Thân trên hệ thống truyền tin nữa, tôi lập tức lệnh cho chi đội của thiếu úy Hạnh bỏ vị trí, đến tiếp cứu Thân.
Chỉ trong khoảnh khắc, ổ B-41 đó bị diệt, Thân vô sự, nhưng phải dùng xe của chi đội khinh kỵ vì xe của Thân đã bị tê liệt!
Và ngay sau đó, trận đánh quyết liệt nhất bắt đâu, khi từ những cụm vườn ở hướng Tây Bắc, cộng quân lùa những đàn bò chạy về phía chúng tôi, rồi họ chạy theo sau với mục đích dùng biển người để cướp sống xe, trong khi đạn pháo của họ bắn chận phía sau chúng tôi. 
Mấy chục khẩu pháo gần Thạch Động được chúng tôi điều chỉnh bắn thật gần, và bắn tối đa. Ngay sau khi chúng tôi trụ lại được trước sức tiến công của địch quân, thì Không quân được lệnh xuất kích. Tướng Trưởng đã điều động rất hay ở điểm này, vì khi đó địch quân đã lộ diện, việc dội bom sẽ rất chính xác dù hơi nguy hiểm vì phải dội bom quá sát những đơn vị bạn đang tham chiến, có một đợt bom dội vào ngay giữa đơn vị tôi, nhưng chúng tôi vô sự. Những chiếc phản lực cơ đánh thật đẹp, vừa nghe tiếng gầm thét là họ bỗng xuất hiện, bay thật thấp và dội đủ loại bom từ bom napalm cho đến bom CPU… Chúng tôi không cần phải liên lạc vô tuyến để điều chỉnh, mà chỉ cần thả những trái khói màu tại chỗ để đánh dấu đơn vị bạn, và Không Quân sẽ dội bom về hướng Bắc của những trái khói màu đó khoảng 300 mét trở lên là được!

Ngay sau đợt oanh kích cuối cùng, chúng tôi lập tức tung ra đợt phản công, tràn lên chiếm giữ những nơi vừa bị đánh bom còn đang bốc khói... Dĩ nhiên là Cộng quân phải rút lui chứ họ cũng không dại gì mà làm những con thiêu thân trước những con ngựa sắt đang nộ khí xung thiên gầm thét, đang gieo sấm sét hung tàn đó.

Trong cơn say máu, Nghê Thành Thân đã nhảy xuống khỏi xe, rồi cùng với trung úy đại đội trưởng BĐQ Huỳnh Phú Gia và anh em BĐQ xông thẳng vào phòng tuyến địch. Thật ra Thân không phải rời xe để đánh như Bộ Binh như vậy, nhưng trong cơn cuồng nộ của bom đạn, Thân đã quên mình, quên cả tượng Phật…

Hôm đó Chi đoàn tôi tịch thu được 6 máy truyền tin, 4 khẩu đại liên , một số B-40, B-41 và AK.
Buồn cười cho ông thiết đoàn trưởng của tôi là trung tá Nguyễn Hữu An, ông lấy máy chụp ảnh ra bảo đại úy Trạng chụp ảnh tôi và ông đang đứng trước đống chiến lợi phẩm, sau trận đánh mới biết cái máy ảnh không có phim trong đó!

Trong số những chiến lợi phẩm tịch thu được, có những quyển nhật ký. Qua những quyển nhật ký đó chúng tôi biết được họ thuộc Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt, cộng với 2 Trung đoàn 51 và 52 Đặc Công, họ nói đến "Mũi Tên Thép" gì đó... Có những câu nhật ký mà tôi còn nhớ rõ qua cách đọc rất tếu của Thiếu úy Nguyên: “Đoàn xe bọc thép của quân ngụy sài gòn mang hình đầu ngựa phun lửa, trong ba ngày đầu đã tỏ ra hung hăng tàn ác… Nhưng những chiến sĩ anh hùng của ta quyết giáng cho chúng những đòn trừng trị đích đáng….”, rồi Nguyên kết luận “Sắt thép gì gặp mình cũng thành chuột lắt hết!”. Cũng vui!

Hôm sau lại chạm súng lớn, chúng tôi bị tổn thất khá nặng. Phải rút về biên giới để tái tiếp tế, tái trang bị.
Nhìn những anh em bị thương nằm ngồi la liệt để chờ tản thương, bắt dầu là Đại úy Măng Tiểu Đoàn Trưởng 58 Biệt Động Quân, rồi Đại úy Ron Chi Đoàn Trưởng Chi Đoàn I… Chi đoàn tôi đã bỏ 2 xe, phải đôn khinh kỵ lên làm xạ thủ đại liên, lính Biệt Động Quân thì trở thành khinh kỵ. Cũng được tăng cường thêm một số… “tân binh” đang thụ huấn ở Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng ra!

Hôm sau lại tiến vào vùng lửa đạn, lại bị cầm chân. Có những cảnh tôi không quên được, như khi hay tin Chuẩn úy Kỳ, một thiếu sinh quân tài hoa vừa bị thương, tôi chạy đến để gặp Kỳ thì nhìn thấy cảnh Kỳ đang nghiến răng dùng lưỡi lê tự chặt vào phần xương dưới ống quyển còn dính lại để cho bàn chân rời hẳn đi cho đỡ khó chịu…

Lúc đó lại nhận được tin người anh cả, tướng Ngô Quang Trưởng vừa lên đường ra đảm nhận chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I với mặt trận Quảng Trị… Hôm sau thì Trung tá An, thiết đoàn trưởng, rời đơn vị và Thiếu tá Nguyễn Văn Việt Tân, thiết đoàn phó lên thay thế!

Sau một tuần giao tranh không có kết quả như mong muốn, lại bị tiêu hao từng ngày như thế, tôi nhận định: Quân cộng sản Bắc Việt đã sử dụng tối đa cách gài "chốt" trên trục tiến quân của chúng tôi! Những chốt dày đặc này có hiệu lực ngăn không cho bên trong ra, chận không cho bên ngoài vào, rồi khi có được những yếu tố thuận lợi như địa hình thích hợp thì những chốt đó sẽ kết hợp với lực lượng chủ động để tấn công tiêu diệt đối phương.
Và cách đánh đó đã có hiệu quả ngăn chận sức tiến quân của chúng tôi! Rõ ràng là chúng tôi đã bị cầm chân và bị tiêu hao từng ngày!
Như vậy, nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ bắt tay với các đơn vị bạn bên trong, giảm thiểu thiệt hại để bảo toàn lực lượng thì chúng tôi phải vô hiệu hóa những chốt đó. Ở nội địa thì tôi đã từng nhiều lần sử dụng những toán "Lôi Hổ" của tôi để đánh đêm, tiêu diệt những cái chốt như thế... Nhưng đó là loại "chốt" lẻ tẻ để vây đồn, còn ở đây là cả một hệ thống chốt!

Trước tình thế đó, tôi thấy rằng, điều tiên quyết để bảo toàn lực lượng là phải bắt tay cho được Lữ Đoàn 4 Kỵ Binh, cho họ có thể nhận tiếp tế rồi cùng nhau đánh trở ra. Vì nếu chúng tôi vào bắt tay được với họ thì tình thế sẽ khác đi:  Bắt tay được có nghĩa là lực lượng đang ở Kompong Trach và lực lượng đi giải tỏa là chúng tôi khi đó sẽ hợp thành một lực lượng lớn, thì việc đảo ngược tình thế là dễ dàng... Mà sau hơn một tuần giao tranh, tôi tin chắc là chúng tôi sẽ vào được, nếu quyết tâm!

Đây chính là một cuộc ĐỌ SỨC VỀ  TINH THẦN!

Còn nói về cuộc đọ sức về Kỷ Thuật, Chiến Thuật thì dễ thôi: Cứ tận dụng khả năng di động cao, hỏa lực mạnh của Thiết Giáp làm lợi thế chính, càn lướt qua các tuyến "chốt" của họ mà đi, chứ nếu cứ dừng lại để thanh toán từng mục tiêu như mấy ngày qua, thì biết đến bao giờ mới bắt tay được, mà còn bị tiêu hao từng ngày… 
Nghĩ sao làm vậy! Tối hôm đó tôi họp các chi đội trưởng để nói về ý định của mình, rồi căn dặn:
“Chỉ còn 4 cây số nữa thôi là bắt tay được với Lữ Đoàn, phải cán lên đầu nó mà tràn vào, không cần dừng lại đánh đấm gì cả, xe nào bị bắn hư thì cứ bỏ, không cần kéo theo… Ngày mai chúng ta phải vô tới Kampong Trach!”.
Sau khi các chi đội trưởng đi khỏi, tôi gọi 3 đệ tử ruột của tôi là Mãnh, Được và Ba đến: “Nếu anh có chết, thì tụi em cố đem xác anh về cho chị Ba!”. Những người em đã từng yêu cầu tôi đặt tên cho họ là toán “Lôi Hổ” đó đã lặng lẽ nhìn tôi không nói lời nào  …

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi dàn hàng ngang tiến vào những cụm vườn phía trước, không có tiếng súng bắn trả. Chúng tôi tiến sâu hơn, vừa tiến vừa tác xạ và bộ chỉ huy Thiết đoàn ở phía sau cũng tiến theo, Chi đoàn của anh Cứ đi song song bên cánh phải. Vì những hố bom B52 dày đặc nên việc di chuyển hơi khó khăn, đến một ngôi chùa kế tiếp buộc chúng tôi phải thu hẹp đội hình để tránh những hố bom, thì từ trên sát nóc của ngôi chùa, một loạt đạn đại liên bắn thẳng xuống xe tôi, trúng vào phía sau lưng ghế tôi ngồi. Bằng động tác phản xạ, tôi phóng qua bên kia pháo tháp rồi nhảy xuống đất vừa núp vào thân xe vừa khoát tay bảo tài xế cứ tiếp tục chạy tới và tôi chạy theo bên hông, ngay sau đó chi đội của thiếu úy Diện từ phía sau lập tức diệt ngay ổ súng.
Trở lên xe thì chiếc ghế tôi ngồi vẫn còn đang bốc khói, đó là loại ghế chống đạn của phi công trực thăng mà từ lâu chúng tôi lấy được từ một chiếc trực thăng bị bắn rơi, đạn không xuyên qua được, nhưng người ngồi ngay sau ghế tôi là thiếu úy Quyền, Tiền Sát Viên Pháo Binh thì bị bứt luôn hai chân! Sở dĩ họ chỉ nhắm bắn vào xe tôi là vì trong khi những xe khác chỉ có một ăng ten thì xe tôi có đến 5, họ biết ngay đó là xe chỉ huy…
Qua khỏi ngôi chùa khoảng 300 mét thì nhiều loạt đạn từ phía sau bắn rượt theo, có lẽ họ vừa hoàn hồn vì không ngờ chúng tôi lại cán lên đầu họ mà tiến. Còn hơn 2 cây số nữa là đến Kampong Trach, Chi đoàn của anh Cứ bên cánh phải vừa bị bắn cháy một xe và anh đang dàn hàng ngang chuẩn bị thanh toán mục tiêu. Quyền Thiết Đoàn Trưởng bảo tôi dừng lại, án ngữ chờ anh Cứ!
Không thể dừng lại ở đó trong tình thế như vậy, vì như thế có khác nào đứng bất động làm bia cho địch nhắm bắn từ bốn phía, tôi lập tức nêu lên luận cứ của mình:
-Sắp vào đến nơi rồi mà ở đó thanh toán nó là sẽ bị nó cầm chân. Đó là chưa nói đến chuyện ở phía sau mình tụi nó vẫn còn nằm nguyên đó, mình chỉ cán qua đầu nó mà đi thôi, chứ chưa dứt điểm nó... Có nghĩa là mình coi như bị lọt giữa vòng vây, nằm lại đây chỉ làm bia cho nó bắn! Tôi đề nghị bỏ mấy con chuột lắt đó đi, cứ tiếp tục cán qua đầu nó mà tiến! Bắt tay được rồi, tôi bảo đảm khi trở ra, mấy con chuột đó mà ló đuôi con nào là tôi sẽ chặt đuôi vạt mõm con nấy... Mấy ngày nay cho thấy tụi nó chỉ là chuột lắt thôi, chứ không phải là "Mũi Tên Thép", Đặc Công con khỉ gì đâu!
Quyền Thiết Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Việt-Tân đồng ý, thế là chúng tôi tiếp tục tràn lên. Từ những phòng tuyến, cộng quân đã bắn trả theo kiểu chĩa súng lên trời mà bắn chứ không dám ngóc đầu lên để nhắm bắn vì lưới lửa của chúng tôi dày đặc.
Tràn qua hết phòng tuyến này đến phòng tuyến khác, còn một cây số nữa là sẽ bắt tay đơn vị đầu tiên ở bên trong. Chúng tôi yêu cầu họ trú ẩn để tránh đạn cho đến khi chúng tôi vượt qua khỏi họ, vì chúng tôi vừa tiến vừa tác xạ, chứ không thể ngưng bắn được. Quả thật đối phương đã bất ngờ, chúng không làm gì được ngoài việc bắn vét đuôi chúng tôi với những loạt đạn nghe như những tiếng thét vô vọng... Trong niềm vui đang dâng tràn tôi đã đứng lên chộp lấy một trái xoài chín khi xe tôi đang tiến dưới bóng một cây xoài rồi quay nhìn về phía sau, nơi xuất phảt những loạt đạn vớt vát đó!
Và cuối cùng, mấy chiếc M113 của đơn vị bạn hiện ra lù lù phía trước. Nhìn thấy chiếc xe của Đứa, người bạn thân khi 2 chúng tôi còn là Chi Đội Trưởng, tôi liền bảo tài xế cặp sát bên và dừng lại. Sau khi bố trí đơn vị, tôi nhảy xuống xe, hai anh em tay bắt mặt mừng bất kể những quả đạn pháo của họ đang nổ chụp ngay trên đầu!

Khoảng nửa giờ sau, chúng tôi chứng kiến một hình ảnh không thể nào quên được, là khi tôi và Đứa vẫn còn đang đứng nói dóc, thì một chiếc C130 từ hướng Kampong Trach rà sát ngọn cây bay về hướng Hà Tiên sau khi thả đồ tiếp tế xuống cho các đơn vị ở Kampong Trach, thì cả một vùng chung quanh tôi rộ lên những tiếng súng nhỏ, súng đại liên bắn lên chiếc máy bay. Với số lượng tiếng súng nổ như thế, ít lắm cũng phải có cả ngàn tay súng! Nhìn chiếc máy bay khổng lồ bay sát ngọn cây trong rừng đạn bắn lên như thế, ta mới thấy được sự hy sinh của những người phi công như thế nào. Tôi chợt nhớ lại hình ảnh mấy chiếc trực thăng bị bắn rơi mà tôi vừa đi ngang qua lúc nãy…

Có một chuyện buồn cười là chiều hôm đó, họ nhảy vào hệ thống truyền tin nội bộ của Chi Đoàn tôi, rồi điều động như thể họ đang tiến sát để… diệt gọn chúng tôi vậy. Thế là mấy Chi Đội Trưởng Nguyên, Hạnh, Diện, Lộc được dịp chửi, nói tếu… cho đến khi họ im, và chúng tôi phải thay đổi tần số truyền tin.
Tôi vẫn tưởng đêm đó sẽ là đêm không ngủ, vì chắc chắn họ sẽ “dàn chào” chúng tôi. Nhưng họ đã im lặng, có lẽ vì tổn thất của họ quá lớn và họ đã rút quân.

Ngày hôm sau, chúng tôi án ngữ hai bên trục lộ để yểm trợ cho các đơn vị bên trong triệt thoái về Hà Tiên, tôi cũng đã gửi những thương binh, tử sĩ của đơn vị tôi theo họ về trước, vì chúng tôi còn phải ở lại.
Cuộc triệt thoái đã diễn ra êm thắm vì cộng quân đã rút đi trong đêm đó.

Sau đó đơn vị tôi cũng trở về nội địa, giữ quốc lộ 4 từ Trung Lương đến Bắc Mỹ Thuận, cũng là để nghỉ dưỡng quân. Trong một tối nhậu ở quán của Mỹ Tiên tại Trung Lương, Thân đã ra vườn mận phía sau quán cởi bỏ cái tượng Phật, không đeo nó nữa. Mỹ Tiên đã phải cầm đèn đi ra tìm, nhưng không gặp.
Nhưng có điều là sau đó một tháng thì Thân bị thương, ở Kompong Trabek, một mảnh đạn ghim vô ngực, phải về nằm bệnh viện, bỏ lỡ dịp đi giải toả quận Kiên Lương và nhà máy xi măng Hà Tiên ngay sau đó. Khi đơn vị tôi đánh bật địch ra khỏi quận Kiên Lương, chiếm lại nhà máy xi măng thì Thân mới trở ra đơn vị…

Lời nói thêm:
Vì nỗi khổ đau của những người vợ, những đứa con, những người thân của bao chiến sĩ đã tử trận ở Kompong Trach trong mùa Hè 1972 đó, tôi xin nói lên một sự kiện đau lòng sau đây để nhắc nhớ quý vị niên trưởng của chúng tôi, những cấp chỉ huy trong Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn trú đóng tại Kampong Trach:
 
Là các vị đã nhẫn tâm hy sinh Tiểu đoàn 94 Biệt Động Quân Biên Phòng của Thiếu tá Ngọc ! Vì chuyện cá nhân mà quý vđiều động một Thiết Đoàn tăng phái vào tđịa một cách vô cùng tắc trách
!
Riêng vTiểu đoàn 94 đang trấn giữ phía Bắc Kompong Trach, không hay biết gì về cuộc triệt thoái của các vị cả! Khi các vị đã an toàn về đến biên giới rồi, thì Tiểu đoàn này bị cường tập. Mãi đến ngày hôm sau, Thiếu tá Ngọc và khoảng 10 anh lính còn sống sót mới thất thểu ra đến xe tôi. Hình ảnh Thiếu tá Ngọc đứng bên xe tôi không nói một lời, nặng nề đưa tay cởi cái nón sắt rồi buông rơi nó xuống đất, ngồi bệt xuống, gục đầu trong khổ đau, bi hận… đã khiến cho anh em chúng tôi cảm thấy mình bị phản bội. Bị phản bội bởi ngay chính cấp chỉ huy của trận chiến, những người mà chúng tôi vừa vào sinh ra tử để bắt tay với họ…

Không cần thiết phải hy sinh một Tiểu đoàn như thế khi đã bắt tay nhau!

Và ít nhất các vị cũng phải cho chúng tôi biết là Tiểu đoàn 94 còn trong đó, để chúng tôi không lầm họ với địch quân mà phải bắn vào họ khi thấy họ xuất hiện từ xa (Chúng tôi đã bắn họ như thế đấy!).
Sao các vị vô trách nhiệm đến thế?

Các vị đừng bao giờ nhắc đến những chiến công của các vị nữa, mà hãy đếm xem đã có bao nhiêu con người đã phải chết tức tưởi vì các vị! Bên cạnh những cái chết oan khiên đó là bao nỗi  khổ đau vô vàn của những người vợ góa, những đứa con côi, anh em ruột thịt, cha mẹ cùng những người thân yêu của họ còn ở lại…
Điền ĐôngPhương - Mùa Hè 1972

-Khoảng April/28 Thiết đoàn 2 bắt đầu đến tham chiến, ngày May/02 tướng Trưởng đi và khoảng ngày May/09 thì bắt tay để rồi hôm sau Thiết đoàn 2 nằm lại cách Kompong Trach 2 km về hướng Nam để án ngữ cho cả Chiến Đoàn rút về nội địa.
-Ngày 18/5/1972, VC tấn công nhà máy xi-măng Hà Tiên tại Kiên Lương.



   
Trận Kompong Trabek
Điền Đông Phương
Với sự trợ lực của quân Khmer Đỏ, lực lượng quân Cộng sản Bắc Việt đã đánh chiếm và tổ chức nhiều chốt chận kiểm soát từ vùng Mỏ Vẹt đến bến phà Neak Luong nằm trên sông Mekong, là thủy lộ huyết mạch cho việc vận chuyển tiếp tế cho Phnom Penh vào thời điểm đó. Trong mùa Hè 1972 -tôi không nhớ rõ vào tháng nào, trong vùng này, quân đội Cộng Hòa Kampuchea chỉ còn kiểm soát được hai thị trấn Neak Luong và Svay Rieng (Soài Riêng). Ý đồ của quân Cộng Sản Bắc Việt là sẽ khóa thủy lộ tiếp vận này ngay tại vùng Tân Châu - Hồng Ngự. Trước tình hình nguy kịch, Kampuchea đã khẩn yêu cầu quân lực VNCH tăng viện. Dù phải đối phó với các cuộc tấn công của Cộng quân ở nội địa, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV đã điều động chúng tôi khẩn cấp tiếp cứu. 

Khi chúng tôi được lệnh di chuyển đến Kompong Trabek, thì 3 Tiểu Đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng và các đơn vị quân Kampuchea đã bám sát thị trấn này, nhưng chưa thể đánh bật Cộng Quân ra khỏi thị trấn được (Kompong Trabek nằm ở khoảng giữa Svay Rieng và Neak Luong, tức cách quận Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp khoảng gần 20 kí lô mét về hướng Đông Bắc). Ngay sau khi bắt tay với Biệt Động Quân, sáng sớm hôm sau, chúng tôi đã chiếm lại Kompong Trabek,  rồi truy quét địch dọc theo Quốc Lộ 1 của Kampuchea về hướng Tây đến khi bắt tay được với lực lượng Kampuchea từ hướng Neak Luong đến. 
Nhưng sau đó, vì Kompong Trabek còn là một vị trí chiến lược trọng yếu nằm trên trục vận chuyển giữa hai khu vực tiếp vận chính của các đơn vị Cộng quân trên đất Kampuchea, do đó quân cộng sản Bắc Việt đã tái phối trí lực lượng với quyết tâm dành quyền kiểm soát thị trấn chiến lược này. 
Rồi do tình hình Quân Khu 4 sôi động, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV điều động chúng tôi trở về nội địa, thì ngay sau đó Cộng quân đã lập tức tung quân tái chiếm Kompong Trabek!

Trận đánh:
Từ sông Cái Cái, chúng tôi vượt sông Sở Hạ (sông ranh giới Việt-Miên từ Hồng Ngự về hướng Mộc Hoá) rồi vượt qua những cánh đồng, xóm làng… thẳng hướng Kompong Trabek. Sau khi vượt qua rặng cây cuối cùng, thị trấn Kompong Trabek sừng sững hiện ra trong nắng, ngay sát bên kia quốc lộ 1. Khi còn cách thị trấn khoảng 700 mét, chúng tôi dừng lại bố trí. Xe tôi nằm ngay dưới một cây đa to nên đã gặp phải một chuyện buồn cười: Vì chúng tôi đến quá nhanh, một anh bộ đội có nhiệm vụ quan sát còn đang kẹt ở trên cây đa mà chúng tôi không thấy! Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau anh ta tuột xuống. Anh chàng này rất mồm mép, chúng tôi chưa hỏi thì anh đã khai tùm lum, hình như anh ta có nói anh ta là Thiếu úy, nhưng tôi không quan tâm! Rồi anh ta còn bảo chúng tôi đưa bản đồ ra để anh ta chỉ những nơi đơn vị anh đang bố trí nữa! Tôi không thích những người mồm mép quá nên bảo anh em trói tay anh ta lại rồi bỏ đó…

Khoảng 2 giờ sau, phía Biệt Động Quân đề nghị chúng tôi dùng hỏa lực yểm trợ cho họ tiến chiếm thị trấn một lần chót, nếu họ vẫn không chiếm được thì sẽ giao cho chúng tôi thanh toán! Nhiệm vụ yểm trợ đó được giao cho Chi đoàn của anh Ngô Văn Cứ, còn tôi thì án ngữ mặt sau. Khi 2 Tiểu đoàn Biệt Động Quân bám được bên này bờ quốc lộ phía trước, thì từ ven làng phía sau mà chúng tôi đã vượt qua để nhìn thấy Kompong Trabek, Cộng quân bắn một quả đạn chống tăng vào một xe của chúng tôi, nhưng quả đạn chạm vào bờ mẫu và nổ tung. 
Tôi đứng lên nhìn về ven cây rậm rạp nơi xuất phát quả đạn, quan sát địa thế và cân nhắc tình hình thật nhanh, nghĩ rằng như vậy là chúng tôi đang bị bao vây! Khi đối phương có ý định bao vây hoặc khóa đít chúng tôi là một lực lượng gồm 3 Tiểu Đoàn Đoàn Biệt Động quân và 1 Thiết Đoàn trừ (-) ngay giữa ban ngày như thế, thì chắc họ phải dùng đến một lực lượng đáng kể, tôi quyết định xử dụng toàn lực để xung phong thanh toán mục tiêu. 

Ngay sau đó tôi nói với cả đơn vị ý nghĩ của tôi: “Nó muốn khóa đít như ở Kompong Trạch! Gặp Bạch Mã (Đơn vị tôi mang hình đầu ngựa trắng đang phun lửa)  mà mày muốn khóa đít là coi như mày đi nạp mạng rồi!”. Lập tức chi đoàn phó của tôi là Nghê Thành Thân lên tiếng: “Ngon ăn quá Đông Phương!”. Cùng lúc đó Biệt Động Quân đề nghị cho họ tăng cường một đại đội để tùng thiết, tôi từ chối vì mục tiêu quả thật rất ngon ăn! 
Sau đó tôi điều động chi đội súng cối 106 ly và phân đội xe phun lửa vừa mượn của Thiết đoàn án ngữ bên phải, 5 chiếc của chi đội yểm trợ án ngữ bên trái, còn lại 15 chiếc của 3 chi đội khinh kỵ và tôi dàn hàng ngang chuẩn bị xung phong. Khi 3 khẩu súng cối vừa rót đạn vào mục tiêu, thì lập tức 15 con cua sắt gầm rú lên xông tới. Khi còn cách mục tiêu khoảng 300 mét tôi ra lệnh khai hỏa… 45 khẩu đại liên trên 15 chiếc xe khinh kỵ đồng loạt nhả đạn. Địch bắt đầu bắn trả bằng một quả B41, một quả hỏa tiễn chống tăng AT-3, cả hai đều chạm vào bờ mẫu phía trước và phát nổ chứ không trúng xe nào cả (Hỏa tiễn AT-3 sẽ không có hiệu quả đối với mục tiêu ở gần hơn nửa cây số vì chưa thể điều chỉnh đạn đạo được, còn B41 mà ở tầm 300 mét thì chẳng ăn nhằm gì), tiếp theo là một loạt đại liên từ cụm cây bên phải bắn ra. Tôi liền điều động khẩu đại bác không giật 106 ly cho một quả vào đó, thế là khẩu đại liên im bặt. Với hỏa lực dày đặc của 45 khẩu đại liên, toàn bộ mục tiêu chìm trong khói bụi mịt mù. Và chúng tôi đã bám được mục tiêu. Lập tức tôi ra lệnh cho khinh kỵ hạ chiến trong khi những khẩu đại liên vẫn tiếp tục giăng lưới lửa. 
Gần 10 phút sau, trong cơn cuồng nộ của những con ngựa sắt đang gieo sấm sét hung tàn, thì từ trong sâu phía sau của vườn cây có 3 chiếc áo được đưa lên cao bằng cây tre quơ qua quơ lại… Họ đã đầu hàng! 

Sau đợt xung phong đó, Nghê Thành Thân là người duy nhất bị thương, một miểng đạn vô ngực, tôi rất mừng, vì sự báo ứng của tượng Phật đã ứng nghiệm, nhưng không nguy hiểm. Và Thân không còn lý do để từ chối được tải thương về Quân Y Viện! 

Tôi đứng trước cây thốt nốt ngay đầu xe, quan sát đoàn tù binh 22 người đang xếp hàng một đi ngang qua trước mặt tôi. Tất cả họ đều rất trẻ, trên dưới 20, và nước da ai cũng đều vàng vọt vì bệnh sốt rét! Bỗng có một chú bộ đội dừng lại ngay trước mặt tôi, khoanh tay lại và đưa đôi mắt cũng vàng nghệ nhìn tôi: “Thưa ông em có được sống không?”. Tôi lạnh lùng nhìn anh ta và gật gật đầu… Khi được báo còn khoảng 10 phút nữa trực thăng sẽ đến bốc đám tù binh đi, tôi liền đến nói chuyện với họ. 
Nhìn những khuôn mặt hiền lành đang ngồi trong tư thế hai tay bị trói ra sau lưng, họ là những bộ đội thuộc công trường 5 CSBV, tôi nói lớn: “Vừa rồi có một người trong các anh hỏi tôi các anh có được sống không. Nên tôi muốn nói để các anh yên tâm: Ở tại đây thì tôi không bảo đảm mạng sống của các anh được, vì có thể người của các anh sẽ bắn pháo vào đây… Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng bảo vệ an ninh tối đa cho các anh. Chúng tôi sẽ chuyển các anh về hậu phương, ở đó các anh sẽ là tù binh và sẽ được đối xử đúng với quy chế về tù binh, có nghĩa là các anh sẽ được đối xử tử tế. Vậy các anh yên tâm”. 
Nhìn lướt qua những khuôn mặt thoáng vui, tôi vẫy tay chào họ rồi trở lại xe. 

Hôm đó chúng tôi vẫn chưa chiếm được thị trấn.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi xung phong lên bám lấy bờ bên này quốc lộ 1. Biệt Động Quân dưới sự yểm trợ hỏa lực của chúng tôi đã tràn vào thị trấn… Không có tiếng súng bắn trả, quân cộng sản Bắc Việt đã rút đi từ trong đêm. 

******** Sở dĩ tôi muốn nhắc đến trận đánh này, là nó có một điểm rất quan trọng mà lúc đó ít người nghĩ đến : Nếu chúng tôi không tiêu diệt ngay đơn vị Cộng quân đánh bọc hậu đó, có nghĩa là chúng tôi bị bao vây vì không có quyết tâm đánh trả, thì họ đã không rút quân khỏi thị trấn Kompong Trabek trong đêm đó! Tôi nghĩ có lẽ họ đã biết chúng tôi là ai trong trận Kompong Trach trước đó khoảng một tháng.
Nếu trường hợp chúng tôi bị bao vây vì không dám giáng cho chúng một đòn chí tử như thế, thì ngoài việc chúng tôi bị cầm chân ở đó, rồi sẽ phải có những đơn vị bạn đến để tiếp viện thì chuyện đó sẽ góp một phần không nhỏ giúp quân CSBV trong ý đồ biến Vùng IV Chiến Thuật trở thành như 3 Vùng kia trong "Mùa Hè Đỏ Lửa" năm 1972!
Ý đồ này, quân Cộng Sản Bắc Việt đã không đạt được, và cũng đã không bao giờ đạt được trên lãnh thổ Vùng IV Chiến Thuật, nơi có những con cua sắt mang tinh thần Phù Đổng Thiên Vương đi... rong chơi tháng ngày!

 
-Giữa tháng 6/1972, CSBV chiếm được thị trấn KP Trabek và đến đầu tháng 7, chỉ hai thị trấn Neak Luong và tỉnh lỵ Xoài Riêng còn nằm trong tay quân đội Cộng hòa Miên(*1).  
(*1)Lieutenant General Ngo Quang Truong, The Easter Offensive of 1972, trang 150-151. 

*** Cũng cần nên biết sơ qua về quân đội Miên, khi lãnh đạo bởi Lon-Nol được gọi là Quân đội Cộng hòa Khmer (Forces Armées Nationales Khmères hay FANK). Năm 1972, FANK có quân số khoảng 200000 và được tổ chức thành 12 lữ đoàn mà phần lớn trú đóng tại phía nam nước Campuchia (CPC). Không quân có 154 phi cơ các loại trong khi hải quân có 69 tàu và chiến đỉnh.
Yếu điểm lớn nhất của quân đội này là sự bành trướng quá nhanh chóng từ năm 1971, khi Thống chế Lon-Nol yêu cầu Mỹ giúp đỡ kế hoạch gia tăng quân đội lên 600 000 quân và một lực lượng bán vũ trang là 53 000 người. Kết quả là có một khoảng cách quá to tát giữa giấc mơ và hiện thực, thêm vào đó là tệ nạn mà quân đội các nước chậm tiến trong thời chiến thường mắc phải, nạn lính kiểng, lính ma và buôn bán quân dụng bất hợp pháp (Lieutenant General Sak Sutsakhan, The Khmer Rupublic at War and the Final Collapse, trang 45-46; U.S. Government Printing Ofice, Washington, D.C., 20 November 1978).
Họ chiêu dụ những quân nhân người Việt gốc Miên của chúng tôi sang phục vụ cho họ, ví dụ như Trung sĩ nhất Thạch Chia của chi đoàn tôi đã trốn sang phục vụ cho quân đội Miên và anh đã được họ cho mang cấp bậc Đại Úy! (Chi đoàn 3/2 Thiết kỵ, Điền Đông Phương)
Năm 1970, lãnh thổ Miên được chia thành 6 quân khu và tăng lên 9 khi hiệp định Paris được ký kết. Mỗi quân khu bao gồm địa phận từ 1 đến 4 tỉnh.
Để bảo vệ an ninh diện địa của mình và yêu cầu về chiến lược của Mỹ, hai nước Thái Lan và VNCH đã giúp huấn luyện các đơn vị FANK. QLVNCH còn trực tiếp tham chiến khi tình hình đòi hỏi, trên khắp vùng biên giới Việt-Miên.
 


Trích bài của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng
nhận định về chiến trường Kompong Trach trong mùa Hè 1972

Năm 1980 Trung tâm Quân sử Lục Quân Hoa Kỳ (U.S. Army Center of Military History) in ra tác phẩm “The Easter Offensive of 1972” của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng. Được viết bằng Anh ngữ nói về các trận chiến trong “Mùa Hè Đỏ Lửa” vào năm 1972 dưới sự nhận định và phân tích của một vị chỉ huy quân sự cấp quân đoàn đầy kinh nghiệm. Phần lớn những trang sách dành cho các trận đánh đẩm máu và quyết liệt như Quảng Trị, An Lộc, và Kon Tum. Ngoài ra còn có một chương riêng viết cho chiến sự tại vùng châu thổ sông Cửu Long, trong đó có vài trang nói về chiến trường ngoại biên ở Cambốt (Cambodia) tại Kompong Trach.
Tướng Trưởng làm Tư lệnh Quân Đoàn IV từ tháng 8, 1970 cho đến đầu tháng 5, 1972 thì Ông được Tổng Thống Thiệu chọn làm Tư lệnh QĐ I thay tướng Hoàng Xuân Lãm để ổn định lại tình thế và phản công tái chiếm lại Quảng Trị sau này. Dưới đây là đoạn lược dịch về trận chiến tại Kompong Trach trong sách kể trên.

***

Vào khoảng đầu năm 1972 lực lượng phòng vệ biên giới của QĐ IV được giao phó cho Biệt Khu 44 với các tiểu đoàn Biệt Động Quân (BĐQ) biên phòng và lực lượng Thiết Giáp tạo thành một hàng rào phòng thủ dọc theo biên giới Cambốt từ Mỏ Vẹt đến vịnh Thái Lan. Ngoài trách nhiệm phòng thủ trong nội địa, Biệt khu 44 còn điều hành và chỉ huy hai căn cứ hành quân ngoại biên trên lãnh thổ Cambốt, gồm Neak Luong một bến phà trên quốc lộ 1 qua sông Cửu Long và Kompong Trach khoảng 20 cây số về hướng bắc của Hà Tiên. Cả hai căn cứ đều được BĐQ/QĐ IV bảo vệ. Khi đó Sư Đoàn (SĐ) 9 Bộ Binh đang thực hiện các cuộc hành quân trên vùng U Minh Thượng và tại tỉnh Chương Thiện, trong khi SĐ 21 BB hoạt động tại vùng U Minh Hạ và phần phía Nam mũi Cà Mau. Cùng lúc đó SĐ 7 BB chịu trách nhiệm lãnh thổ tại 2 tỉnh Định Tường và Kiến Hòa, cùng những tỉnh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu.

Chiến trường Kompong Trach được xem như đã ảnh hưởng vào tình hình quân sự trên vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian còn lại trong năm 1972. Chiến trận bùng nổ vào ngày 22 tháng 3, 1972 với trận giao tranh xảy ra giữa các đơn vị của Liên đoàn 4 BĐQ và Trung đoàn 101D Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) và đã không giảm bớt cường độ cho đến cuối tháng 4, 1972.

Kompong Trach là một thị trấn nhỏ nằm gần giao lộ giữa một vùng rừng cây về hướng bắc thành phố Hà Tiên, khoảng 15 cây số phía bắc biên giới Cambốt. QĐ IV tiếp tục duy trì căn cứ hành quân tại nơi đây để kiểm soát một trong những trục lộ chuyển vận quan trọng của CSBV từ Cambốt xâm nhập vào vùng Hậu Giang. Điều rõ ràng trận đánh đã không được Cộng quân chọn lựa cho một chiến trường quan trọng vào lúc này. Dù sao thì trận giao tranh đầu tiên đã khai triển thành một chiến trường rộng lớn khi những lực lượng tăng viện được tiếp tục đổ vào từ cả hai bên. Chiến trận đã trở thành mãnh liệt và dữ dội. Về phía QLVNCH, một lực lượng hùng hậu được tung vào chiến trường gồm 4 Thiết đoàn Kỵ binh, trong đó có cả Thiết đoàn cơ hữu của SĐ 7 BB, được điều động xuyên qua QĐ IV từ vùng đông bắc kéo dài hơn trăm cây số; cùng với 6 TĐ BĐQ có nhiều đơn vị pháo binh và công binh yểm trợ. Địch quân lúc đầu chỉ có Trung đoàn 101D với các thành phần yểm trợ của bộ chỉ huy Công trường (Sư Đoàn) 1 CSBV. Sau đó địch quân bắt buộc phải nhanh chóng đưa thêm hai Trung đoàn nữa vào chiến trường: TrĐ 52 và E44.

Mặc dầu cả hai bên đều bị thiệt hại nặng nề và sự thật là QLVNCH cuối cùng phải triệt thoái khỏi Kompong Trach, mặt trận này đã cho thấy kết quả sự thất bại to lớn về phía địch quân. Điều hiển nhiên Công trường 1 là một SĐ CSBV độc nhất tại vùng đồng bằng sông Cửu Long vào lúc đó, đã bị bắt buộc phải tung ra tất cả tiềm lực chiến đấu trên đất Cambốt, trong khi nhiệm vụ chánh của họ là phải thực hiện một chiến dịch quan trọng bên trong nội địa của QĐ IV để hòa đồng phối hợp với những trận tấn công khác trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Giao tranh tại chiến trường ngoại biên, Cộng quân đã không phá hoại gây rối được trong nội địa, thực hiện mục tiêu chính yếu của họ; mà chỉ gây thiệt hại nhẹ từ phía ngoại vi. Nói khác đi, nhiệm vụ của họ là phá hoại kế hoạch bình định và phát triển của QĐ IV đã không thành công, mà chỉ làm đình trệ đôi chút. Ngay cả thế, cái giá mà họ phải trả quá đắt. Những tổn thất to lớn gây ra cho Cộng quân do hoả lực của Thiết giáp và những trận oanh kich dữ dội của KQVN và Hoa Kỳ đã hữu hiệu chống trả các cuộc tấn công biển người, và cuối cùng cắt xé Công trường 1 CSBV thành một đơn vị không còn giá trị chiến đấu cho đến cuối trận chiến của Mùa Hè Đỏ Lửa.

Chiến trường Kompong Trach xảy ra trên một vùng khá xa cho những trục tiếp vận bình thường của QLVNCH. Những đường lộ và thủy vận dẫn vào chiến trường đã bị giới hạn. Do đó, QĐ IV đã gặp phải khó khăn trong sự chuyển quân và tiếp liệu để yểm trợ cho những hoạt dộng, nổ lực của những đơn vị tham chiến tại đây. Thật ra chiến trường chỉ là những trận chiến tiêu hao quân sự mà không làm thiệt hại sinh mạng và tài sản của người dân trong lãnh thổ các tỉnh miền Tây
Ngô Quang Trưởng