Đời Cải Tạo 1



Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu vì sao tôi đã có thể tồn tại được từ khi bị áp giải xuống chuyến tàu Sông Hương kinh hoàng để đưa chúng tôi ra Bắc, rồi ngay sau đó là những năm tháng đói khát, lao động khổ sai giữa chốn rừng thiêng nước độc của núi rừng Việt Bắc từ Sơn La đến Nghĩa Lộ, Cổng Trời, Hoàng Liên Sơn, Yên Bái... và sau cùng là Nghệ Tĩnh .
Và cho đến bây giờ, hơn 30 năm sau, hàng đêm, trong mỗi giấc mơ, tôi vẫn luôn thấy mình đang sống đời Tù Cải Tạo...
 Điền Đông Phương


-Khai báo lý lịch trích ngang được họ dùng như bản án để kết tội người tù cải tạo.
-Không biết tên láng giềng để khai khi khai lý lịch, nhưng họ không tin có thể có chuyện đó.
-Tiếp xúc hàng ngày với bọn cán cộng mới thấy tức vì mình đã thua những thằng điếm và ngu.
-Phê và tự phê: Chính là cách khuyến khích bới móc, tố cáo lẫn nhau!
-Thiếu ăn, đói khát sẽ khiến cho con người ta lộ ra tất cả cái bản chất của họ. Một điều may mắn là hầu hết anh em đều sẵn sàng hy sinh, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau.
-Con cái ở nhà bị đi thanh niên xung phong: Thực chất là đi đánh trận ở Kampuchea mà không được giao vũ khí.
-Những người được về sớm đều là những tay hoạt động nội tuyến nằm vùng, nhưng họ bảo là nhờ cải tạo tốt nên được cho về sớm để lừa bịp tù cải tạo và cũng để lừa gia đình họ bên ngoài tình nguyện đi Kinh Tế Mới để chồng con sớm được về!
-Lặn lội từ Nam ra Bắc… vợ tôi chỉ lặp đi lặp lại 1 câu “Anh nhớ đừng trốn trại nghe anh”. Thì ra L. biết chuyện có những người tù trốn trại bị họ bỏ vô thùng phuy (loại thùng chứa 200 lít xăng thời đó), rồi đốt xung quanh thùng cho đến chết.




Cú lừa lịch sử
Nếu lập ra một quyển sách ghi lại kỷ lục về Lừa Đảo trên thế giới, thì cách Cộng Sản Việt Nam gọi chúng tôi đi trình diện  “Học Tập Cải Tạo” là một cú lừa vô tiền khoáng hậu !

Đầu tháng 6-1975 họ ra thông báo kêu gọi hàng binh sĩ và viên chức chính quyền cấp thấp trình diện học tập chính trị trong 3 ngày. Sau 3 ngày đó, coi như hoàn tất việc "đổi đời" của thành phần này. Ngay sau đó, họ gọi đến thành phần Hạ Sĩ quan, lệnh bảo chuẩn bị mang theo các thứ nhu yếu cá nhân cho 7 ngày học tập. Và sau 7 ngày học tập, thành phần này coi như đã làm xong bổn phận của những ... công dân của một chế độ mới, và tất cả được trở về nhà làm ăn sinh sống bình thường. Sau đó 1 tuần họ gọi những viên chức chính quyền và quân đội VNCH từ cấp Chuẩn úy đến Tổng Thống chuẩn bị vật dụng cá nhân và tiền đủ để học tập trong thời hạn một tháng. Khỏe quá! Sau 3 ngày: Xong! Sau 7 ngày: Về! Thì đến phiên mình, thời gian 1 tháng là hợp lý! Thế là cả đám kéo nhau đi trình diện vào tù, một kiếp tù không biết ngày về, không có bản án, thật ra "bản án" chính là "bản lý lịch trích ngang" mà họ "yêu cầu" phải "thật thà khai báo", khai đi khai lại hàng trăm lần, và họ đã dùng nó như là loại bản án do chính mình tự kết án mình. 

Chưa hết, sau 1 tháng, họ thả những người bị tàn phế nặng không còn khả năng lao động và một số cộng sản làm nội tuyến trong quân lực và chính quyền VNCH -số nội tuyến còn lại sau đó tiếp tục được cho về sớm (Đó là lý do chương trình H.O. của Mỹ sau này không công nhận quy chế tị nạn cho những người đi cải tạo dưới 3 năm), và truyền thông báo chí của họ đã tuyên truyền rộng rãi về những người được lần lượt cho về do "học tập tốt" này để làm thêm một quả lừa nữa: họ bảo gia đình những người tù đang học tập cải tạo nếu đi kinh tế mới, thì thân nhân đang đi cải tạo sẽ sớm được cho về đoàn tụ như những người kia!




1001 mẩu chuyện ĐỜI CẢI TẠO

1) Ở trại Tam Hiệp (Suối Máu), trại Long Giao

Phiên tòa xử Tử Hình những người trốn trại ở trại Suối Máu.

Tịch thu "vũ khí".

Tăng thiết giáp răn đe trấn áp ở Long Giao. 

Xuống tàu Sông Hương ra Bắc.



2) Thời gian Quân đội quản lý (bởi đoàn 776), ở khắp vùng Việt Bắc.

Sau chuyến tàu Sông Hương kinh hoàng từ bến tàu Tân Cảng đưa chúng tôi cặp bến Hải Phòng, Đoàn 776  đã chuyển chúng tôi về Sơn La. Trong 6 năm sau đó dưới sự quản chế của quân đội, tôi cũng như những anh em khác hàng ngày phải lao động khổ sai trong tình trạng đói khát ở những chốn rừng thiêng nước độc từ Sơn La, Nghĩa Lộ, Cỗng Trời, Hoàng Liên Sơn, Yên Bái… và sau cùng là Nghệ Tĩnh.

Chuyến tàu hỏa từ Hải Phòng đi Sơn La

Ném đá

Vua Mèo
Người thanh niên cao lớn đó chính là vua của người Mèo. Anh bị nhốt chung với chúng tôi, tôi không được tiếp xúc với anh vì ở khác trại. Khi đi rừng lao động, thỉnh thoảng gặp người dân ở đó, thì họ chắp tay cúi chào anh một cách kính cẩn.

"Bến căm thù"
Khi mới đến Sơn La, chúng tôi chưa biết địa danh nơi đang ở (là Phù Yên). Một hôm trên đường đi rừng, khi đi ngang một người đàn bà khoảng 40, tôi dừng lại hỏi "Ở đây tên là gì vậy?", lập tức bà ta nhìn tôi một cách hằn học: "Ở đây hở, ở đây là bến căm thù !"
Khi chúng tôi đi tải lương thực, ngang một ngôi trường nằm giữa những cánh đồng nhỏ, những em trai em gái tuổi khoảng 13 chạy đến bám vào hàng rào trường, chỉ chỏ vào chúng tôi và hỏi nhau "Mi đếm được bao nhiêu THẰNG... Tao đếm được 19 THẰNG…”

Ăn măng sống.
Nhìn thấy mụt măng, mừng quá, tôi vội hất cái thân cây nặng trên vai xuống, phóng tới chặt lấy mụt măng rồi lột vỏ. Nhìn cái mụt măng nằm gọn trong tay, tôi nghĩ ngay đến buổi ăn chiều nay sẽ được no bụng… Nhưng không hiểu sao, tôi không thể nhịn được, không thể mang nó về láng để nấu được… Mà phải ăn ngay, ăn ngay cho đỡ đói!
Thế là tôi mang cái mụt măng xuống dòng suối bên cạnh rửa sơ qua rồi nhai sống ngon lành! Ăn xong tôi tiếp tục vác cái thân cây về trại. Đi được một khoảng đường, ruột tôi bỗng cồn cào, mắt tôi hoa lên… Tôi biết mình sắp ói!
Cái say do mụt măng sống không phải như say rượu, đầu thì quay cuồng mà bụng thì cồn cào rất là khó chịu… Trước khi ói tôi nghĩ thật nhanh, nếu ói ra luôn 3 trái bắp của phần ăn hôm nay thì sẽ không còn sức vác cái thân cây về nộp! Thế là tôi vội cởi áo, hứng lấy những gì mình ói ra... Sau đó tôi đưa áo xuống nước suối để gạn bỏ chất nước vàng và những bã măng, rồi lại ăn hết phần “bắp” vừa ói ra!

Xong xuôi tôi nằm xuống cho bớt chóng mặt, và hồi sức rồi dùng tất cả sức lực còn lại đưa cái thân cây lên vai, chập chững từng bước trên đoạn đường rừng núi khoảng 2 cây số để về trại…

Ông Phạm Gia Lai gánh đá.

 Người tù trốn trại.

Phong trốn trại.

Ông Châu lên suyển.

Anh Phạm Huỳnh Luông chết.
Khi ở Yên Bái, vì anh Luông dáng người nhỏ nhắn và ốm yếu, nên khi đi lao động tôi thường đi cặp với anh để giúp anh "đạt chỉ tiêu" vì so với anh tôi khỏe mạnh hơn rất nhiều!
Hôm đó sau khi chặt xong một cây, 2 chúng tôi vác về trại, tôi vác phần gốc anh Luông vác phần ngọn. Một phần vì anh đang bị cảm sốt, một phần vì sức yếu, nên khi băng qua một con suối, anh bị trượt té vì bước lên cục đá trơn. Hất thân cây xuống, tôi chạy đến xem anh có sao không. Anh nhìn tôi bỗng bật khóc...
Hôm sau anh chết vì cơn cảm sốt đó.
Sau này về Trại 3 ở Nghệ Tĩnh, nghe một anh ở cùng trại được vợ con ra thăm nuôi, con gái anh có nói bạn của cháu nhờ hỏi thăm xem có ai biết về người cha tên Phạm Huỳnh Luông của cháu hiện đang ở đâu không, để cháu đi thăm... Tôi có kể lại sự việc trên và nhờ anh ấy nhắn lại, ngay sau đó thì anh ấy chuyển trại về Hàm Tân, tôi không biết tên anh, cũng không biết con của anh Luông có được nhắn lại rằng cha cháu đã chết hay không...



3) Thời gian Công An quản lý, ở Trại Cải Tạo số 3, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ Tĩnh. 

Đến năm 1981 thì họ đưa chúng tôi về xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ Tĩnh giải giao cho Công An quản chế, ở cùng trại với tù hình sự. Và tôi đã ở đó cho đến ngày ra trại vào năm 1986.
Từ giai đoạn này, tôi được may mắn hơn những anh em khác, vì nhờ có dáng dấp khỏe mạnh, sau 1 năm như những anh em khác là đi rừng chặt cây đem về, tôi trở thành 1 trong 4 anh “thợ cày” của đội Tam Đồng. Mà những người có nhiệm vụ cày ruộng thì buổi trưa được ở lại để được bồi dưỡng thêm một suất khoai. Một năm sau đó, đời tù của tôi được “thăng tiến” thêm một bước nữa, là được xung vào đội Bốc Vác gồm có 10 người, nhiệm vụ là làm những việc cần đến sức khỏe, nhưng chủ yếu là theo xe tải đi vận chuyển lương thực cho trại, có dịp tiếp xúc với đủ thành phần dân chúng, cán bộ trong xã hội miền Bắc.
Và cái may mắn cuối cùng trong đời cải tạo của tôi là từ khi được chuyển sang đội máy vào năm 1983, nhờ sự giới thiệu của anh em cùng binh chủng Thiết Giáp đang làm việc ở đội máy đó, như anh Võ Công Tú, Phạm Gia Lương, Lập, Sinh... Có thể nói đó là giai đoạn “lên hương” nhất trong đời Tù Cải Tạo của tôi, đêm thì coi cái máy điện, ngày thì sửa xe, sửa máy xay xát, máy bơm nước...


Buổi đầu
Sau khi chúng tôi được chuyển giao qua cho Công An quản thúc ở Trại Cải Tạo 3, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ Tĩnh, những ngày đầu, trên đường lên rừng lao động hàng ngày, chúng tôi đã gặp những đứa bé được... giáo dục nhuần nhuyễn, ví dụ vài đứa bé khoảng 10 tuổi đang ngồi moi trộm khoai lang của trại thấy chúng tôi đi ngang, chúng đưa củ khoai lên hỏi “Thằng ngụy Sài Gòn kia ơi, mi ăn khoai không?”
Nhưng chỉ một thời gian sau, thái độ và lời nói của các em cũng như của người dân trong vùng  đều thay đổi, xưng hô “Chú, cháu” một cách chân tình!
Người dân ở đó cũng vậy, họ bị cấm tiếp xúc với chúng tôi, nếu ai tiếp xúc sẽ bị trừ điểm vào Sổ Lương Thực. Nhưng chỉ một thời gian sau, khi họ nghe những người đã có dịp vô Nam về kể lại, khi đã hiểu nhiều về chúng tôi hơn, thì người dân trong vùng đã tỏ thái độ kính trọng chúng tôi ra mặt, ví dụ như khi nhìn thấy chúng tôi, từ xa họ đã dỡ nón chào... Một lần trên đường đi rừng, gặp một người đàn ông có vẻ hiểu biết, ông hỏi tôi: "Tại sao các ông hèn thế? Tại sao các ông đầu hàng chúng nó? Các ông có biết chúng tôi mong được các ông giải phóng đến như thế nào không?"

Vợ tôi.

"Mình Xương Cứu Quốc" Đoàn Văn Hào.

Niên trưởng Thái văn Sang.

"Trầm Lão Tiên Sinh" Trương văn Nhì.

Bị cảm sốt
Cơn cảm sốt khiến tôi mê man, sáng dậy sớm xếp hàng khai bệnh. Y tá trại là tù hình sự tên Hiền, khi nghe tôi khai bệnh xong, anh ta liền nắm lấy ngón tay trỏ của tôi rồi dùng kim đâm vào đầu ngón tay, xong anh ta vừa ngoáy vòng vòng vừa nhìn mặt tôi xem có biểu lộ vẻ đau đớn không. Tôi bình thản nhìn anh ta. Kiểu khám bệnh của anh ta là nếu ai lộ ra vẻ đau đớn thì đó là giả bệnh, còn tỏ ra không có cảm giác gì thì đó là bệnh thật, hôm đó được nghỉ lao động!
Thời gian sau, khi được tin vợ con tôi đã đến trại để thăm nuôi, đang chờ hôm sau gặp mặt, suốt đêm đó tôi không cách nào chợp mắt được. Sau khi gặp được vợ con, lại một đêm không thể ngủ. Sáng hôm sau chỉ còn đủ sức để ra đứng xếp hàng... khai bệnh! Vừa nhìn thấy tôi đứng xếp hàng ở gần cuối, tên y tá bước ra đến bên tôi rồi nói: "Hôm nay bệnh, anh khỏi đi lao động nhá!".
Trở về láng, tôi nhất quyết không cho tên y tá đó một cái gì cả!

Trẻ em lao động
Các em trai, gái ở độ tuổi 8 đến khoảng 15, sáng đi học, trưa về đều “đi tru” (đi chăn trâu, chăn bò) đến chiều tối, kể cả con của trại trưởng là trung tá Trần Tuất cũng vậy. Mỗi khi có giông bão, mái trường bị thổi bay, thì chính các em học sinh bé  nhỏ đó phải đi rừng chặt nứa mang về đánh tranh để lợp lại mái trường. Nhìn những em bé khoảng mười tuổi ngồi vắt vẻo trên mái trường… thấy mà xót xa!

Cô bé và những nắm ớt
Trên đường đi rừng chặt cây, gặp một cô bé khoảng 13 ngồi bên đường chăn bò. Tôi không thể không dừng lại khi nhìn thấy đôi mắt thật to đang nhìn tôi. Tôi ngồi xuống đối diện em và nói “Em có đôi mắt đẹp quá!”. Những ngày sau đó, ngày nào cô bé cũng ở đó chờ tôi đi ngang để chạy ra đưa cho tôi một nắm ớt.

"Mẹ cháu thiếu ăn"
Bọn trẻ con ở quanh trại rất thích nói chuyện với chúng tôi mỗi khi có dịp.
Con Hải hàng ngày vẫn lùa bò đến bên suối nơi chúng tôi thường tắm sau giờ lao động. Lần đầu tiên tôi nói chuyện với nó: “Em bao nhiêu tuổi?”. “Cháu 14 tuổi!”
Tôi ngạc nhiên nhìn nó vì tôi tưởng nó chỉ khoảng 11 thôi. Hải hiểu: “Chú tưởng cháu còn bé lắm? Vì khi sinh cháu, mẹ cháu thiếu ăn!”.

"Vô bụi" và nón khoai
Mấy năm đầu ở Trại 3, tôi ở đội “Tam Đồng”, vì có sức khỏe nên tôi được cho vào nhóm cày ruộng gồm có 3 người, khi cày ruộng, chúng tôi được ở lại bên ngoài vào buổi trưa để được thêm một suất khoai chứ không phải vào trại như những anh em khác. Mấy đứa bé trai gái đi chăn trâu gần đó rất thích đến nói chuyện với chúng tôi.
Một hôm, hai anh kia đang nằm ngủ, chỉ có con T. đến chơi với tôi, nhà nó ở cách trại khoảng 1 cây số, cha nó là Thượng Úy công tác ở xa. Bất ngờ nó nói với tôi: “Chú vờ không nhìn cho cháu đào một nón khoai, rồi chú dẫn cháu vô bụi, chú muốn làm gì cháu thì làm!”
Tôi ngỡ ngàng nhìn con bé khoảng 14 tuổi, nghĩ đến cảnh chúng thường núp trong bụi 2 bên bờ suối để nhìn chúng tôi tắm, và tôi cũng đã mấy lần thấy nó lén nhìn tôi tắm như thế khi tôi ở lại buổi trưa. Thấy tôi lặng lẽ nhìn nó, tưởng tôi ngại bị đám cán bộ trại bắt gặp nếu tôi cho nó đào khoai trộm, nên nó nói: “Chú đừng lo, chỉ một thoáng là cháu đào được nón khoai thôi!”. Tôi xót xa nhìn nó: “Chú đi tắm, T. đào nhanh đi rồi mang về nhà liền, đừng ở lại”.
Hôm sau, tôi đang ngồi ở bờ suối, thì con T. đến, tưởng nó xin đào khoai nữa, tôi hỏi:
“T. muốn đào khoai nữa hả?”. Nó đáp “Thôi chú!”. Tôi đứng lên, đưa tay vuốt tóc nó: “Chú không cần vô bụi làm gì đâu, thương T. quá đi…”. Sau đó nó ngồi lại nói chuyện với tôi đến khi kẻng báo đi làm buổi chiều vang lên, nó mới ra về. Trước khi về, nó nói: “Chú ơi, cháu biết chú là người tốt… Cháu không lo bị chú làm bậy, nên mới nói thế…”.
Tôi không tin lời nó nói, nhưng thấy xót thương vô cùng.


Ở Đội Máy

4 người làm "ăng-ten" lãnh lương của Bộ Nội Vụ Hà Nội

Nữ Cán Bộ trại và tù hình sự.

Nữ cán bộ trại và tài xế xe trong trại.

Thương người vợ chờ, bé bỏng chiều quê...
Điều quý báu nhất trong 11 năm dài giữa lao tù cộng sản là tôi đã có được những người bạn thân, những con người vẫn rực rỡ hiên ngang dù đã bị dìm xuống đến tận cùng của địa ngục trần gian. S là một trong số những người đó. Đối diện với S., ai cũng cảm nhận được một nghị lực phi thường toát ra từ đôi mắt nhìn đến phong thái cực kỳ trầm tĩnh của anh. 
Sau mỗi ngày lao động, thì những giờ phút được coi là tự do lại chính là lúc họ vừa khóa cánh cửa, sau khi cho chúng tôi “vô chuồng”! 
Trong những cái “chuồng” đó, anh em chúng tôi, người thì lặng lẽ nằm suy tư… Người thì “chiếu phim” cho một nhóm đang say mê theo dõi, phải công nhận khả năng đặc biệt của những anh đang “chiếu phim” đó, họ kể lại những chuyện phim, tiểu thuyết có khi còn hay hơn xem phim hay đọc chuyện thật nữa! Nhiều nhất là từng cặp ngồi đấu cờ tướng… 
Hôm đó, nhóm chúng tôi có 9 người đang ngồi quây quần trò chuyện, thì anh M. nói: 
-Hôm nay tôi có một chủ đề muốn đưa ra để chúng ta cùng thảo luận… 
Mọi người nhìn M chờ đợi, M nói: 
-Đến nay thì chúng ta đã ở tù hơn 9 năm rồi, mà ngày về thì không biết đến bao giờ… Vậy theo các anh, chúng ta có nên khuyên vợ mình cứ bước thêm bước nữa hay không? 
Thế là nhiều ý kiến được đưa ra, người thì muốn vợ mình hãy quên bản thân để lo cho con, người thì chấp nhận vì những khó khăn của thời bao cấp đè nặng lên vai những người vợ vốn tay yếu chân mềm, họ cần có chỗ để nương tựa… Đến phiên anh, anh chỉ nói chậm rãi : “Tôi rất may mắn vì vợ tôi đã nói bà ấy hy sinh tất cả vì con, nên tôi không có ý kiến!”. Tôi cảm nhận một điều gì đó không thật trong câu trả lời của anh… Vì chúng tôi nằm ngủ sát cạnh nhau, và anh cũng là người bạn thân nhất của tôi lúc đó. Tôi thấy anh như không ngủ được từ hơn một tuần, đêm nào cũng trằn trọc với những tiếng thở dài lặng lẽ . 
Vào ngày chủ nhật thì chúng tôi được nghỉ, đó cũng là dịp để những anh em nào thân thiết họp mặt “ăn cơm” chung, chuyện trò với nhau. Trong lúc ăn, tôi đã hỏi tại sao hơn tuần qua thấy anh không ngủ được… Anh lặng lẽ nhìn tôi rồi móc trong túi áo lấy ra một lá thư trao cho tôi, lá thư đã được phát cho chúng tôi trong đợt phát thư trước đó khoảng nửa tháng. 
Đọc thư đến đoạn có câu “Mẹ đã bỏ chúng con đi lấy chồng rồi, Ba ơi!”… Tôi trao lá thư lại cho anh, hai anh em lặng lẽ ăn hết phần ăn còn lại, không nói thêm với nhau lời nào! 

Cha Hoạt 
Vì ở khác đội, khác láng nên tôi chỉ biết tên ông là Hoạt, vị linh mục trẻ cùng trang lứa với tôi. Ngày ra trại, chúng tôi xếp hàng chờ nhận Giấy Ra Trại, hôm đó tôi xếp hàng đứng ngay sau lưng ông.
Khi người nữ cán bộ trao Giấy Ra Trại cho ông thì cô nói lớn : 
-Ra trại, anh không có được hành nghề nữa nhé? 
Vị linh mục nhìn thẳng người nữ cán bộ, và hỏi lại, giọng nói sang sảng: 
-Không được hành nghề gì, thưa cán bộ? 
Người nữ cán bộ đanh mặt lại: 
-Là không được đi tuyên truyền đạo giáo đấy… 
Lập tức, vị linh mục cất cao giọng: 
-Luật pháp không cấm điều đó! Mà dù có cấm, tôi cũng vẫn làm, vì đó là nhiệm vụ và bổn phận của tôi!
Nhìn những anh công an quản chế đứng phía sau những người cán bộ đang trao giấy ra trại cho chúng tôi đang hằn học nhìn vị linh mục trẻ, tôi chờ đợi phản ứng của họ, thì viên trại trưởng, trung tá Tuất, bước tới bảo người nữ cán bộ: “Thôi! Để anh ấy đi…”!

Tù Hình Sự
Sau thời gian bị quản chế bởi quân đội ở những nơi rừng thiêng nước độc trên khắp vùng Việt Bắc, họ giải giao chúng tôi về cho Công An ở xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ Tĩnh.
Ở đây chúng tôi phải ở chung trại với những người tù hình sự.

Từ đó, chúng tôi đã chứng kiến 2 sự việc:
Thứ nhất là họ có chính sách dùng số tù hình sự này để đàn áp chúng tôi khi có “biến động”, trước khi họ cần phải ra tay! Chính sách này đã thất bại, vì chỉ một thời gian sau thì chính những người tù hình sự này và dân chúng trong vùng lại rất có cảm tình với chúng tôi, dù họ vẫn thường xuyên tổ chức “học tập” để khích động lòng căm thù của tù hình sự, cũng như việc họ cấm người dân địa phương không được nói chuyện với chúng tôi, ai vi phạm thì sẽ bị trừ điểm tem phiếu thực phẩm!

Thứ hai là cách họ đối với tù hình sự là quá vô nhân tàn ác!
Điển hình:
Vì chế độ ăn uống quá khắc nghiệt, quá đói, nên có nhiều người tù cải tạo có ý nghĩ trốn trại!
Tù chính trị chúng tôi nhiều người có ý định trốn trại, nhưng đó là vì “Tự Do hay là chết rục trong lao tù Cộng Sản”… Còn những người tù Hình Sự thì trốn trại đơn giản chỉ là để ở suốt đêm suốt ngày trong một đám rẫy bắp, rẫy khoai nào đó để ăn những củ khoai sống, bắp sống cho no bụng, chứ không phải trốn trại để về nhà, vì với chế độ “Hộ Khẩu” ở Miền  Bắc thời đó thì có về nhà cũng chẳng có gì mà ăn, còn thêm khổ cho gia đình!

Hôm đó, trong giờ lao động, tên cán bộ quản chế đang ngồi canh gác một đội tù hình sự đang cuốc đất, bỗng cất tiếng hỏi to: “Thằng nào trốn trại ra đây bảo nào!”. Từ trong đám tù, một bộ xương xà bát bước ra đến đứng trước mặt tên cán bộ. Nhìn dáng đứng xiêu vẹo của anh ta, ai cũng biết anh ta đã trải qua những trận đòn như thế nào khi vừa bị bắt lại, và sau đó là bị nhốt riêng và bỏ đói…. Không nói không rằng, tên cán bộ quản chế đứng dậy rồi lập tức tông đế khẩu súng AK vào ngay hàm răng người tù. Người tù hơi bật ngữa rồi đưa tay ôm lấy mặt, sau đó phun ra những chiếc răng đã bị gãy… Rồi sau tiếng quát của tên quản chế vô cảm, anh ta thất thểu bước đi về chỗ cũ, cầm lấy cái cuốc, tiếp tục cuốc phần đất còn lại…
Chính mắt tôi đã chứng kiến cảnh này!

Còn chuyện như sau thì xảy ra thường xuyên:
Sau những giờ lao động, thì từng đội tù xếp hàng đi vào trại. Trước khi vào cổng là màn khám xét xem có ai dấu cọng rau, mẩu khoai nào trong người không. Một anh tù hình sự khoảng 17 tuổi bị bắt gặp dấu trong lưng quần cái gì đó, thế là tên trực trại hôm đó là trung úy Thiện cầm lấy khúc cây dài khoảng 2 thước, to hơn cườm tay bổ một cái thật mạnh xuống ngay đỉnh đầu người tù hình sự!
Tôi nghĩ với cú đánh như thế, nếu không vở sọ thì cũng phải bị long óc, hoặc sẽ mắc bệnh tâm thần…
Chuyện đó đã diễn tra trước mắt chúng tôi, thường xuyên như thế!